Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… Ở đó, mỗi sáng người trong xóm thường quy tụ để thưởng thức nước chè xenh đã đành, nhưng chính là để tám chuyện với nhau. Thông thường thì chẳng có chủ đề nào là chính, cứ lan man chuyện này lân la sang chuyện khác…ngồi lâu khoai nát.

Sau khi đăng bài viết, “Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta…Phần I”. Phần đa người đọc đều cảm thấy có những sự kiện và nhân vật của thời lập cư đã xa khuất vào quá vãng, để không mấy ai còn nhớ đến. Và bài viết đó đã khơi gợi cho chúng ta nỗi nhớ về những người “Công thần lập cư” thời xưa đó, cũng rất có ích cho thế hệ sinh sau đẻ muộn biết đến công lao của họ.

Ban Định cư Châu Sơn năm 1956

Đậu Quang Tín Nguyễn V Quảng Nguyễn Tuệ      Trần Mân       Trần Văn Trị

Hình ảnh thời mới Định cư

Và hôm nay, ấm nước mới lại khơi gợi tiếp những chuyện xưa:

– Thế các ông có biết tên ban đầu của GX ta là gì không?

– Thì Châu Sơn chứ gì nữa!

– Nói thế thì trật lất rồi.

Dường như không mấy ai biết đến. Một lão nông tri điền cho biết:

– Đầu tiên tên Xứ là Vinh Thọ, đến năm 1959 mới đổi sang tên Xứ Thọ Trường – chỉ có xứ chứ chưa đề là GX.

Lúc này nẩy ra cuộc tranh cãi:

– Tui sống đây cũng hơn 60 năm, nhưng chưa bao giờ nghe tên xứ Vinh Thọ.

– Có đấy! – Một người lão làng cho biết:

– Khi mới lập cư, cái tên Vinh Thọ được đặt ra, do ghép bởi hai chữ GP Vinh và Thọ Ninh. Nhưng rồi một số người Đông Tràng phản đối, vì cái tên đó chỉ tiêu biểu cho người dân Thọ Ninh mà thôi, chứ không tiêu biểu chung cho dân di cư. Sau năm 1959, mới đổi sang xứ Thọ Trường ghép trại giữa Thọ Ninh và Đông Tràng (Trường).

– Ấp Thọ Trường thì có, làm gì mà có Xứ Thọ Trường!?

Điều này, nhiều người dân kỳ cựu lâu năm ở Châu Sơn cũng không mấy ai biết.

– Ấp Thọ Trường là lẽ đương nhiên ai cũng biết. Sở dĩ có Xứ Thọ Trường, vì để “đánh lận con đen” lãnh hai xuất trợ cấp: dầu, bột mì, bơ sữa…Sách vở bút giấy… mà có đấy!

Nghe là nghe thế thôi, nhưng nhiều người vẫn ấm ức và không mấy tin.

– Thế các ông có biết, Xứ Thọ Trường tồn tại đến khi nào không?

   – Làm gì có Xứ Thọ Trường mà tồn tại cơ chứ! Từ khi cha sinh mẹ đẻ, chỉ nghe có GX Châu Sơn mà thôi.

Một người khác khẳng định có nhân chứng:

– Theo ông cố Trần Văn Lan, nguyên HĐGX cho biết: tên xứ Thọ Trường có cả con dấu hẳn hoi, tồn tại đến năm 1997, thời cha An Tôn Vũ Thanh Lịch đấy!

Lúc này, phần đa các ông đều tranh cãi gay gắt và đều không đồng tình:

– Không thể có được. Tên GX Châu Sơn có khi nào đến bây giờ. Chẳng lẽ bầy tui sinh sống lâu năm ở Châu Sơn mà không biết hay sao?!!

Xem lễ tại nhà tạm dòng Châu Sơn

Sau cùng, phải đưa kỷ yếu 50 năm GX Châu Sơn ra để xác định: Quả thật tên xứ Thọ Trường có trên văn bản giấy tờ từ năm 1960 đến 1997 mà không một người giáo dân Châu Sơn nào biết đến. Chính ông Đậu Quang Đồng, nguyên HĐGX thời cha Lịch xác nhận: năm 1997, nhân một chuyến đi du lịch Thái Lan, cha Vũ Thanh Lịch đã làm con dấu GX Châu Sơn để thay cho con dấu Xứ Thọ Trường. Đến lúc này thì nhiều người mới ngã ngửa ra với điều “bật mí” này.

Chưa hết chuyện bất ngờ đâu. Nhân đem quyển Kỷ yếu ra xem, ở đoạn viết về giáo họ Phê Rô (Yên Phú) cũng có nhiều cái tên nghe lạ hoắc, nhưng khi nói đến những con người đó thì ai cũng biết. Ví như cố: Bảo Lộc Trần Kiều, Nguyễn Minh Châu, Đậu Quang Yên, Đậu Quang Mận… Khi mới đọc ra, đến một vài người gốc Yên Phú cũng không nhận ra. Sau cùng, khi có người lão thành nhắc ra, thì vỡ lẽ là cố Kiều, Cố Thọ là Nguyễn Minh Châu, Cố Hương Trường là Đậu Quang Yên, Cố Trùm Chương là Đậu Quang Mận… là những người rất thân quen thời ấy!!

Nhưng rồi cái tên của ông cụ Bảo Lộc Trần Kiều vẫn có nhiều người thắc mắc: Cố Trần Kiều thì ai cũng biết, nhưng tại sao lại có cái tên Bảo Lộc đằng trước?? Có người cho rằng đó là tên chức năng: ông Biện, Hương, thôn, làng… Có người đoán là tên thánh được viết trại ra tiếng Hán Việt. Sau này, hỏi ông Đậu Quang Đồng người Yên Phú, tra khảo truy tìm, ông Đồng cho biết: Bảo Lộc là tên thánh Phao Lô chuyển âm từ Hán Việt sang mà có.

Thế đấy, chỉ mới mấy chục năm mà ký ức của chúng ta đã phai mờ những con người sống kề cạnh chúng ta bao nhiêu năm.

Tưởng cũng nên gợi nhớ lại chuyện xưa của GX ta đấy chứ! Có những điều tưởng hiển nhiên mà lại không phải. Chúng ta là lớp người di cư vào Nam, sống trải qua với người xưa mà còn quên khuất đi, bảo sao thế hệ trẻ sau này biết đến tiền nhân kia chứ!??

Cho nên câu nói: dân ta, học sử ta là thậm chí phải. Cũng như, GX ta, hãy đọc kỷ yếu GX ta, cho biết cũng là điều nên làm đấy chứ!!!

Phân phát gạo – Mấy O thanh nữ nhà ta gánh gạo về nhà

Châu Sơn choa

Check Also

Ấm nước mới – Đám cưới ơi!!! Báo động đỏ!!! Thừa mâm thiếu khách đó!!!

– Sao bữa này bảnh vậy ta! Đi uống nước mới mà diện áo quần …