Điệp khúc mùa hái cà phê

Gió heo may đã về, trời về sáng hơi lành lạnh! thôn xóm khắp nơi như rộn ràng lên điệp khúc vào mùa, ai cũng mang tâm trạng mừng mừng lo lo… Chợ người mua bán bắt đầu đông đúc hẳn lên vì mọi gia đình ai cũng đã bắt đầu có ” ló ” và khách thập phương đổ về để làm ăn ngày một nhiều…

     Nhớ lại thời gian vài thập niên trước những cột mốc đánh dấu thời vàng son của cây cà phê người ta dốc toàn tâm toàn lực dành cho cây cà phê! hồi đó mỗi khi đi chợ mua sắm hoặc có việc gì đi các tỉnh khác nghe nói đến dân Daklak, dân cà phê người ta trầm trồ ngưỡng mộ về thu nhập khủng và đẳng cấp của người trồng cà phê, mua bán gì cũng lấy giá cà phê để so sánh, mua máy mua xe sắm sửa trong nhà đều trông nhờ vào cà phê cả.

Cứ chiều chiều hoặc vào những ngày nghỉ chúng ta dễ bắt gặp cảnh những người mặc áo lao động, quần công nhân đi chiếc xe cà tàng sau xe cột cái cuốc chạy vào rẫy!!! Lúc đó phong trào  “hot ” lên là ai cũng muốn thủ cho mình một vài sào cà phê để làm!  Thời ấy, thu nhập lương nhà nước có lẽ không thể giàu khá lên được nên các công nhân viên cũng chọn cây cà phê để tăng thu nhập!!! Vài sào cà phê như là chỗ dựa lúc thất nghiệp, về hưu. Phải nói các cán bộ hồi đó chưa mấy ai nhiễm máu tham nhũng!!! Đồng tiền kiếm được khá đơn sơ và trong sạch!!

Rồi đến công hái người ta phải huy động toàn bộ những người thượng các thôn buôn để thu hái nhưng nào có đủ, thế rồi không biết lời đồn đại ra như thế nào mà dân Bình Định Phú Yên đổ xô lên làm công hái cà!! Có những gia đình nhiều cà,  bao dàn luôn năm bảy người ở trong nhà, hái cuốn bạt xong mới cho nghỉ! Từng tốp từng tốp tay xách bị mang lên lên về về thật là vui và nhộn nhịp…

      Vì cà có giá nên nạn trộm cắp hoành hành đa dạng đủ kiểu! Ai mất nhẹ thì chúng tuốt dăm cây đổ tháo tùm lum rồi đi! Tàn ác hơn bọn trộm chọn cách nhanh nhất là bẻ cành! Ai mà không xót, công chăm sóc tạo cành bị ảnh hưởng nặng nề! Bởi vậy gần tới mùa cà chín các nhóm rẫy chia phiên nhau canh giữ, mệt mà vui! Tất nhiên rồi vì ngày nào cũng ” chén chú chén anh! ” mới nghe phải đi canh cà phê ai cũng thấy tội nhưng vào rẫy mới biết khác nào đi dã ngoại, bia lon uống xả dàn…

        Thế rồi cà phê đột ngột xuống 36 và nằm ì giá đó nhiều năm! Trong khi tiêu lên 200 người ta bắt đầu chuyển đổi cây trồng! Quay lưng lại với cây cà phêm, dốc toàn bộ cho tiêu với cái nhìn hy vọng, cây tiêu nhẹ công nhẹ phân thu nhập khủng năng suất cao! 

     Nhưng đời là vậy nào có ai được tròn như ý mình muốn! Chỉ được có hai năm hiện nay giá tiêu hiện nay chỉ còn ngoài bảy mươi! Chưa hết tiêu bắt đầu dịch bệnh! Có nhiều nhà tiêu đang mơn mởn xanh tốt chỉ sau một tháng đã ra đi hết không cần người tiễn!!!

Cũng có nhiều trường hợp  nhảy lầu tự tự tán gia bại sản vì vườn tiêu…. tan!! Mùa tiêu giống vừa rồi chẳng có ai mua!! tiêu cứ ươm xong rồi đem đi đổ! Nhà ít thì vài ngàn nhà nhiều thì vài vạn…

          Ở một đất nước mà nền kinh tế không ổn định, và nói riêng về nông nghiệp không có định hướng chủ trương kế hoạch lâu dài người ta chuyển đổi cây trồng tùy tiện tự phát, mọi sự dân phải tự lo là chính! Nên mọi rủi ro bất lợi tất dân phải gánh chịu!

      Cái gì cũng có giá của nó! Cũng có những gia đình may mắn chuyển đổi gặp thời giàu phất lên đó sao! Cái gì cũng có một thời của nó không có gì là vĩnh cửu! Và cái gì cũng ” đắt ra quế, ế ra củi ” như cha ông ta nói vậy…

                 GA NAM HỒNG

Check Also

Nắng! Nóng! Cực Nắng!!! Lạy trời mưa xuống…

Những ngày gần đây, trời Ban Mê nói chung, và Châu Sơn nói riêng đang …