Một cái chết! Làm trỗi dậy miền ký ức…

Một cái chết! Làm trỗi dậy miền ký ức…

 

ba luc1Trời chiều sập sìu mây mù chùng xuống, tưởng như sắp trút cơn mưa cứu hạn cho nông dân đỡ khốn khổ, để khỏi phải tưới tắm cà phê mùa cạn kiệt. Nhưng rồi, trời vẫn chưa chịu chiều lòng người…

              Bỗng đâu trong thinh không tĩnh lặng, nhẹ rơi tiếng chuông ngân vang đều đặn 9 tiếng, báo tử một người giới nữ vừa ra đi…

            Tôi thầm hỏi: có ai báo chuông lầm không đây? Hồi sáng, chuông báo tử một bạn thanh niên còn trẻ ở tuổi 28, đã một cõi đi về. Chẳng lẽ lại…Hỏi ra mới biết là bà cố Lục vừa qua đời ở tuổi 95. Vậy thì không kể già trẻ “trời kêu ai nấy dạ”.

            Tin bà cố Lục qua đời, làm trỗi dậy trong tôi một miền ký ức…

            Ngày ấy, những năm cuối thập niên 60, tôi đang học cấp hai…Trong giáo xứ thường hay rước sách trọng thể đi quanh làng. Đến chặng đầu làng, tôi bỗng ấn tượng một người đàn ông trung niên cõng một cô gái dị tật, đang đứng đợi đoàn rước đi qua để nhập vào hàng. Thực ra, hồi đó, sự lạ kỳ khiến tôi tò mò hơn là ấn tượng. Và mãi sau này, có đám rước nào là ông ấy cứ cõng con đi theo…

            Đó là ông Trần Văn Lục, một con người có cái khuôn mặt khắc khổ, điểm đôi lông mày sậm đen với nụ cười hàm tiếu, pha chút tếu táo càng làm cho con người ông vui tính thêm. Là một công chức dịch vụ ở toà hành chánh Tỉnh Darlac trước 1975, nhưng con người ông trông có vẻ chân quê và lão nông tri điền hơn.

            Tôi biết ông khá rõ, vì ông hoạt động trong hội Legiô thường cùng với cha tôi đi thăm kẻ liệt, người già hoặc những gia đình nào có vấn đề bất hòa, đều được người của hội Legio hòa giải. Có lần ông hỏi tôi: “Con thấy hội Legio thế nào?”. Tôi ngớ ra chẳng biết trả lời sao cả. Ông bảo: “Con không nghe trong kinh tiền tụng Legio à! “Legio chúng tôi hết sẩy” đó! Câu kinh này tôi thuộc nằm lòng “Legio chúng tôi hết thảy” ông tếu táo trại ra hết sẩy.

            Phải nói, thời đó, hội đoàn Legio hoạt động rất đắc lực và hiệu quả. Tiếc thay, sau 75, hội đoàn này giải thể. Một năm sau đó, 1976 ông mất và hưởng thọ 60 tuổi. Ông đã từng là thành viên trong HĐGX trước 75. Cuộc đời của ông, rất tiếc, tôi không biết được nhiều lắm, nhưng sự hy sinh tận tùy, nuôi dưỡng người con dị tật của ông, cả làng ai cũng biết.

            Nghe đâu, thời gian đầu đời, ông bà hiếm muộn con cái; khấn xin mãi mới sinh được chị Hương. Dù là đứa con gái sinh ra trong tật nguyền bẩm sinh, nhưng hai ông bà quý chị như quà tặng Chúa trao ban, để luôn thân thương và chăm sóc chị từ khi thơ dại đến lúc lớn khôn, mà vẫn một niềm vui tươi, lạc quan. Sau này, ông bà còn sinh thêm hai người con: một gái, một trai. Cuộc đời của ông bà sống trong sự dung dị và khó khăn neo đơn, nhưng lại rất giàu tình thương chảy tràn trên mái ấm gia đình.

            Chị Hương, chắc cũng phải sinh năm 1948, 1949, hơn tôi chừng ba, bốn tuổi. Là một người con gái dị tật bẩm sinh. Xin mượn lời nhà văn Vũ Trọng Phụng để tả về chị: “Chị là người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không mấy đẹp trai”. Quả thế, ban đầu tôi tưởng chị là con trai, vì tóc chị luôn húi ngắn. Chị bị tật không đi lại được, chỉ ngồi xoay xở trên “giang sơn một mảnh gường”. Nhưng chị có đôi chân khéo léo, có thể làm được những việc tự phục vụ bản thân mình, như ăn uống…Những khi vui vẻ, phấn kích, chị trô lên líu lo như tiếng chim hót, mà thực sự chẳng ai hiểu chị biểu đạt điều gì? Mà cần gì phải hiểu phải không các bạn. Chỉ cần mỗi ngày, nơi vuông cửa sổ đó, có tiếng hót của con chim Sơn ca líu lo góp vui cho đời, là quá tốt rồi phải không các bạn!

            Thời gian lặng lẽ trôi…Và dòng đời với nhịp sống hối hả, tất bật với nợ cơm – áo – gạo – tiền…để lòng người cũng vô tình lãng quên con chim sơn ca bên khung cửa sổ đó.

            Bẵng đi một độ, không còn nghe tiếng chị ở bên khung cửa ấy nữa. Tôi nghĩ: hay là chị mất lâu rồi mà mình không biết? Hỏi là hỏi thế, nhưng rồi dòng đời như “vô tình mang đi tất cả”, chỉ để lại một sự thờ ơ vô cảm với một thân phận hẩm hiu mà thôi. Thói đời, người ta chỉ thích niềm nở đón tiếp những vị khách sang trọng, những Việt kiều về làng; bởi vì ở đó, mọi công quả đều được trả bội hậu!!

            Cách đây mấy tháng, tôi và một người bạn có tới thăm bà và chị.

 ba luc 4Một ngôi nhà lâu năm đã cũ lắm rồi; tường chỉ mới trét xong chưa kịp tô vôi đã phôi pha với thời gian. Ngôi nhà tĩnh lặng và ảm đạm trong không gian tranh tối tranh sáng. Một sự bài trí không thể giản dị hơn được, với một bàn thờ, một bộ bàn ghế và nơi cửa sổ đặt một cái giường cho bà nằm. Thấy chúng tôi vào, bà ngạc nhiên và ngồi dậy: “Các chú đi mô đây!”. “Dạ nhà con đến thăm bà”. Chính nơi góc nhà tối tăm này, bà đã thắp sáng lên góc nhỏ đời mình, bằng khuôn mặt hồng hào rạng rỡ với mái tóc bạc trắng như làm nền hào quang cho bà vậy. Bà rất vui và nói chuyện xởi lởi, dù rằng điều được điều mất. Tôi nghĩ, nếu mình rơi vào hoàn cảnh thảm hại này, có lẽ, mình sẽ chẳng thể sống nổi để vui vẻ lạc quan như bà. Đúng là có Chúa quan phòng và cho bà niềm tin để vui sống với đời, dẫu cuộc đời của bà hết sức ngặt nghèo, neo đơn.

             Chỉ cách một bức ván là giường của chị Hương. Lúc này, chị không còn ngồi dậy được nữa. Chị nằm sóng soải bất động như một cái xác vô hồn…Một sự thương cảm vô cùng mà tôi không thể bày tỏ được: vì sao một con người phải sống lây lất như thế này!? “Trải qua một cuộc bể dâu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.ba lc 3

            Chị nhìn chúng tôi và ứa nước mắt. Tôi không hiểu chị khóc vì mừng khi có người đến thăm, hay khóc cho thân phận côi cút: mẹ một giường, con một chiếu, cùng một nhà mà dường như chẳng còn có sự liên hệ với nhau. Mẹ tuổi già, con tật nguyền, cả hai, dường như đang lặng lẽ gậm nhấm niềm đau mỗi ngày!!!

            “Cảm thương cho chị lắm thay

            Trời ơi một kiếp đọa đày ai hay

            Có ai thấu hiểu đắng cay

            Một mình gánh lấy nỗi đau phận người”

            Chúng tôi không dám ghi hình, vì sợ chạnh lòng đau cho chị. Xin các bạn hãy nghĩ về chị, như hình ảnh một con chim sơn ca, dẫu trong bóng tối cuộc đời vẫn cất tiếng hót vang.  

ba lyc 2Gia đình bà đơn chiếc lắm! Người con gái lập gia đình phải trẩy đi phương xa cầu thực. Người con trai lập gia đình, và kém may mắn đường con cái. Hai chị em chia nhau nuôi mẹ và chị. Nghe đâu, người chị thấy mẹ yếu, kịp thời đưa mẹ về để gửi tấm thân già nơi làng xóm quê mình thân thương. Bà vẫn muốn nán lại để lo cho chị Hương mọi bề đã, nào ngờ!!!

            Chúa gọi bà về trước, và để lại người con tật nguyền côi cút…Nhưng thôi bà ơi, xin bà cứ yên tâm mà đi, mọi sự đã có Chúa lo, bà khỏi phải bận lòng…

            Những tưởng cuộc đời này, bà đã chịu quá nhiều cơ cực, khốn khó, đắng cay của 80 kiếp nạn, chắc lúc xuôi tay sẽ được thuận buồm xuôi gió về bến thiên đàng với Chúa. Ngờ đâu, chưa hết kiếp nạn, bà phải gánh thêm một kiếp nạn sau cùng cho đủ 9.9=81 như thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh Tây Trúc vậy.

            Bà chết vào chiều thứ sáu, trùng ngày với một thanh niên. GX có hai hòm lạnh, súi quẩy cho bà, bị hư một cái, đành phải chạy lên tận Kim Châu thuê về. Chết rồi mà chưa hết nỗi truân chuyên. Nếu an táng sớm lắm, cũng phải chiều thứ bảy mới đủ 24 giờ. Nhưng rồi, bà phải nhường cho bạn thanh niên chết sáng thứ sáu. Thế là đành phải dời sang chiều chủ nhật, vì buổi sáng 3 thánh lễ kín cả. Ngặt một nỗi, ngày chủ nhật trong mùa phục sinh chỉ được làm nghi thức an táng, chứ không được cử hành tang lễ. Tang quyến nghĩ: Một đời bà đi đạo mà phút cuối không có thánh lễ thì tội cho bà quá, đành phải dời sang sáng thứ hai cho có thánh lễ. Dời sang thứ hai mà cũng vẫn chưa yên, vì lễ cưới đã được định sẵn rồi. Đành phải cử hành tang lễ vào lúc 7 giờ. Nhà người ta giàu sang, con cháu đông đúc, có con Việt kiều, mẹ chờ con 4,5 ngày dư sức trang trải không sao. Đàng này, nhà bà đã neo đơn, bà con thân thương chẳng có là bao, cuối cùng hai chị em đành phải “ngậm bồ hòn” để thức với mẹ ba ngày ba đêm liền. Cũng may có bà con lối xóm và BTS họ Hiếu Antôn, chạy lui tới giúp đỡ trong mấy ngày tang chế, cũng làm ấm lòng bà phần nào.

            Trời ơi! Sao mà số kiếp bà long đong đến thế!???

            Nhưng bà ơi! Hôm tang lễ, họ thương bà và đi gần kín nhà thờ đó bà ạ! Rồi cha xứ cũng ưu ái để giảng cho bà bằng giọng đầy cảm xúc và chân tình, để chia sẻ nỗi niềm với bà, khi còn sống ở trần gian với bao nhục nhằn của một kiếp người. Cha bày tỏ: Khi còn sống, bà con lối xóm chúng ta đã làm được những gì cho bà? Đã giúp đỡ cho bà những gì? Những sự giúp đỡ của lối xóm cho bà, chính là giúp cho Chúa vậy.

            Đội kèn hôm đó, tấu lên những điệu nhạc rập ràng và đầy cảm xúc lắm bà ạ! Nhất là bài sau cùng, khi tiễn bà xuống mộ phần với bản “Lòng mẹ”, nghe dạt dào mênh mang nỗi nhớ về một người mẹ da diết!!!

            Dự tang lễ về, con cứ ân hận và nuối tiếc mãi, vì hôm bà mất, con như một người dưng vô cảm, chỉ làm phận sự ghi hình và lấy tin lên website, chứ không hề cảm xúc để tỏ chút lòng thành phúng điếu, một chút hương nến cho ấm lòng bà. Con chợt hiểu ra rằng: Cảm xúc thương tâm mà không biểu lộ bằng việc làm, thì cũng chỉ là một sự giả dối mà thôi.

            Con viết bài này như một sự tạ lỗi với bà, mong bà thứ lỗi cho con.

            Nhân giỗ tuần 7 của bà, con xin thắp nén hương lòng để tưởng nhớ bà, và nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng xót thương, sớm đưa bà về cõi vĩnh phúc hưởng dung nhan Thánh Chúa. Xin Chúa lau khô nước mắt cho những người trong tang quyến.

            Xin những tấm lòng hảo tâm, hãy mở rộng bàn tay để giúp đỡ chị Hương những ngày cuối đời. Đừng để “làm phúc nơi nao, mà để cầu ao rách nát” thì tội lắm người ơi!!!

            Nguyễn Văn Kính

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …