Đức tin…hay mê tín!!???

Ngày nay, xu thế du lịch tâm linh đang rất được ưu chuộng và thịnh hành. Vừa đi chơi thăm thú cảnh vật, vừa hành hương đến các điểm tín ngưỡng tâm linh, một công đôi chuyện, tưởng cũng làm thỏa mãn cho thị hiếu đạo đời được quân bình là điều rất tốt đẹp cho cuộc sống.

Bản thân tôi cũng đã từng được đi hành hương và thăm thú nhiều địa điểm du lịch tâm linh: Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức mẹ La Vang, Đức Mẹ Măng Đen, Linh địa Trại Gáo An Tôn, cha Trương Bửu Diệp, Cha Long…

Trước hết, tôi nhận thấy tâm thế đạo đức của những người đi du lịch tâm linh rất sùng kính đạo đức và sốt sắng. Điều này cũng tạo sự cộng hưởng đạo đức nơi tâm hồn nguội lạnh của tôi, để lòng tôi được ấm áp ngọn lửa nhiệt thành mà cộng đoàn hành hương đưa lại cho tôi. Thú thật, những lần đi du lịch tâm linh như thế, dường như mỗi lần củng cố đức tin tôi thêm sâu đậm thêm hơn…

Tuy nhiên, bên “lửa gần rơm” đức tin đó, cũng gây cho tôi nhiều điều suy nghĩ và nhiều điều trăn trở!!?? Đó là khi một số giáo dân – thường là nữ giới, biểu hiện niềm tin, dùng đôi bàn tay mình sờ lên chân tượng thánh rồi xoa xuýt lên khắp thân người, kể cả những nơi trông rất phản cảm…Dĩ nhiên đó là những nơi mà họ bị bệnh tật…

Thú thật, lần đầu tiên trông thấy “biểu hiện hành vi đức tin” như thế, tôi cảm thấy khó chịu lắm! Ở thời đại ánh sáng văn minh nhân loại tràn ngập trên thế giới như thế này, mà tại sao lại còn có sự mê tín như thế này nữa sao?? Chẳng những là các bà, các chị mà còn là cả lớp trẻ thanh niên, thanh thiếu niên cũng tham gia cách thể hiện đức tin như thế mới là lạ chứ!!

Ngạc nhiên chưa!!!???

Có lần đi chung với người bạn bên Phật hỏi tôi: Cậu nghĩ sao về những hành vi mê tín đến cuồng tín bên Công giáo cậu. Thú thật, lúc đó tôi cũng đắng lòng để chưa tìm ra câu trả lời chữa cháy cho hành vi được xem là mê tín này. Tôi cũng chỉ ầm ừ trả lời qua quýt: Thì cũng chỉ là cách thế biểu hiện niềm tin thôi mà!! Thế thì bên Công giáo của cậu cũng có khác chi những mê tín của bên tôn giáo khác: đồng bóng, ma chay, cúng quảy, coi ngày lành tháng tốt, uống tàn nhang nước thải…Quả là lúc đó, tôi bị lúng túng để không có thể trả lời về những câu nói của anh bạn tôi.

Tôi nghĩ: hành vi biểu hiện đức tin phản cảm đầy mê tín như trên, có lẽ các cha xứ, các đấng bản quyền giáo hội đều cũng thấy rõ cả chứ! Tại sao các đấng ấy lại không có lời khuyến cáo can ngăn đối với những hành vi của những giáo dân đó??

Sau đó, tôi trao đổi với một vị linh mục về điều nay, và ngài đã trả lời: Đụng đến niềm tin tôn giáo là điều nhạy cảm và phải luôn tế nhị, kẻo xúc phạm đến niềm tin của họ thì vô phương cứu chữa, lợi bất cập hại. Ngay cả, ngày xưa Chúa Giê Su chữa bệnh cũng đặt tay lên nơi thương tật của bệnh nhân, giống như thầy thuốc chữa bệnh ngày nay vậy. Và người ta thấy, đó là điều hết sức hợp lý, thầy thuốc chữa bệnh tật thì tất phải xoa xuýt lên vết thương là lẽ thường tình. Có lẽ, vì thế mà người giáo dân mô phỏng lại cách thế đó chăng?? Phúc âm đã từng nói về một người bệnh ước ao được chạm vào gấu áo của Chúa GiêSu để được khỏi bệnh đó sao. Chẳng lẽ, giáo dân biểu hiện niềm tin một cách mãnh liệt và đầy nhiệt thành như thế mà các đấng bậc tôn giáo lại cấm cản?? Miễn sao hành vi biểu hiện đức tin đó không làm tổn hại đến tín lý đạo là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, giáo hội cũng không khuyến khích và cổ vũ lối biểu hiện đức tin đó, chỉ là tùy vào tâm linh mỗi người thể hiện mà thôi.

Để phân biệt ranh giới giữa đức tin và mê tín cũng rất mập mờ, và điều này cũng tùy thuộc vào tâm linh sùng kính của mỗi người. Nếu bảo mê tín là sự mê muội một cách thiếu ý thức về hành vi của mình về một niềm tin tôn giáo, hay về một điều gì đó, thì ngay cả Công giáo chúng ta, cũng có rất nhiều tín điều mầu nhiệm mà lý trí con người không thể dự phần vào được để giải thích, nhưng chúng ta vẫn phải tin. Nhưng phải hiểu rằng: đức tin của người Công giáo chúng ta có nền tảng tín lý rất vững chắc, vì đức tin được dựa vào sự thánh thiêng và lịch sử cứu chuộc của Thiên Chúa rất rõ ràng.

Thực ra, đó chỉ là thói quen biểu hiện đức tin nơi người phụ nữ, thích được có hành động một cách thiết thực như thế. Đối với nam giới, họ thể hiện đức tin một cách kín đáo, bằng lời cầu nguyện, bằng nội tâm. Người ta nói: cây trồng đạo đức của người phụ nữ giống như rễ cám ăn nổi trên mặt đất để lấy dưỡng chất nuôi thân cây, còn đạo đức của người đàn ông lại là rễ độc ăn sâu xuống lòng đất để vững chắc cho cây trồng trước giông bão…

Cũng chỉ là cách nhìn: quen mắt và chưa quen mắt. Sau Công Đồng Vatican II, giáo hội đã cho phép người giáo dân được cúng bái hoa quả, nhang khói, hương trầm, cúi mình bái lạy trước tượng Chúa Mẹ, tổ tiên ông bà cha mẹ đã chết…Ban đầu, xem ra cũng rất phản cảm, dị ứng và mang tính mê tín đấy chứ!!! Nhưng sau quen mắt rồi, thấy cũng đầy tâm tình và tôn kính đấy thôi.

Và quả thật, những lần sau đi hành hương đến những điểm tôn giáo tâm linh, thấy những hành vi biểu hiện đức tin bằng bàn tay xoa xuýt đó, tôi không còn thấy phản cảm nữa. Có lẽ là quen mắt rồi, thứ nữa lại thấy cách biểu hiện như thế nó sống động và thiệt thực, vì đức tin mà không có hành động là đức tin chết!!?? Và tôi thấy khuôn mặt của họ biểu lộ sự vui sướng và mãn nguyện lắm! Tôi nghĩ, có lẽ, họ cũng sẽ có được những ơn phúc nhất định nào đó, để họ luôn bày tỏ niềm tin nhiều lần như thế! Có nhiều khi tôi muốn được hồn nhiên thể hiện đức tin như cách thế của họ, nhưng thú thật, tôi không đủ can đảm để làm. Phải chăng, đức tin tôi chưa đủ mạnh mẽ để thể hiện???

Còn các bạn thì sao?? Bạn cảm thấy như thế nào về hành vi biểu hiện niềm tin như thế!!???

Nguyễn Vĩnh Căn

Vùng tệp đính kèm

Trả lờiChuyển tiếp

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …