Đôi điều suy nghĩ, Về vấn đề “LY DỊ VÀ TÁI HÔN”

Đôi điều suy nghĩ,

Về vấn đề “LY DỊ VÀ TÁI HÔN”

        Hầu như các toán Phụ huynh trong GX Châu Sơn đều chọn sáng Chủ nhật để đọc kinh toán. Đây là thói quen tốt có từ bao đời nay, trước là nối kết tình thân xóm làng trong ấm nước mới, sau là làm việc đạo đức qua kinh nguyện. Ngoài ra, trước hoặc sau buổi đọc kinh, đều có những cuộc mạn đàm sôi nổi theo “kiểu trà dư tử hậu” được răng hay chớ, với những thời sự xa gần: Xã hội, Giáo hội…

ly di 1

        Và toán An Tôn Quỳnh của xóm chúng tôi cũng không là ngoại lệ. Vì thế mà đề tài thời sự nóng về “Ly dị và Tái hôn” trong Thượng Hội Đồng về gia đình, cũng được các cố quan tâm để đưa ra những nhận xét, cho dầu là “cóc ngồi đáy giếng”.

Ý kiến đầu tiên khai mào của một thành viên trong toán: “Đức Hồng Y Kasper đưa ra quan điểm: Cho phép người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ (hình như không cần xưng tội!), theo một mô thức mà ngài gọi là “được khoan dung dù không được chấp nhận” (trích trong bài đăng trên web GPBMT – Thượng Hội Ðồng về gia đình quan điểm gây tranh cãi của Ðức Hồng Y Kasper về Phi và Á Châu). Có vẻ như ai cũng đều đồng tình với ý kiến trên: “Hai người ly dị nhau, sau một thời gian tái hợp trở lại với nhau thì tốt quá đi chứ!”. Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại. Giáo hội nên tạo điều kiện, để cho đôi bạn rước lễ, nhưng phải thông qua Giáo hội địa phương – Giáo Phận, để lập lại sự tái hôn và qua bí tích giải tội để được rước lễ, nối kết lại trong hiệp thông với Chúa Kitô…Sao giáo hội lại làm khó dễ vậy?

Trong khi những bình luận đưa tin trên báo mạng, đều tỏ ra phản cảm với quan điểm của ĐHY Kasper. Tôi nghĩ, chẳng lẽ các “cựu trào giáo dân” phụ huynh lại có tư tưởng tiến bộ đến thế!? Phải chăng vì hiểu sai nghĩa của chữ “tái hôn” theo một cách khác…

ly di 2

Bỗng một ý kiến khác được đưa ra, để cải chính lại mệnh đề “Ly dị và Tái hôn”, phải được hiểu là sau khi ly dị, họ kết hôn mới với người khác, chứ không trở lại với người cũ. Đây là vấn đề nóng, gây tranh cãi tranh trong kỳ họp Thượng Hội Đồng. Đến lúc này mới nổ ra cuộc tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau:

– Tái có nghĩa là lập lại cái cũ như, tái phát vết thương là vết thương cũ phát trở lại bệnh cũ.

– Tái diễn là diễn lại những việc đã xẩy ra trước đây.

– Tái cử là được bầu lại nhiệm kỳ mới…

Ý kiến của người cải chính vẫn giữ quan điểm: Tái hôn với người cũ thì quá đơn giản, chẳng lẽ, vấn đề đơn giản như thế mà Thượng Hội Đồng về gia đình phải đưa ra tranh cãi. Tái hôn phải hiểu theo nghĩa kết hôn mới, thì vấn đề mới rắc rối và phức tạp để tranh cãi chứ!

Và rồi, mỗi bên hiểu theo mỗi cách của chữ “tái hôn”, khiến cho vấn đề vẫn đang còn bỏ ngõ, chưa biết bên nào đúng, bên nào sai…

Nhưng khi tôi giở tự điển nhóm Hoàng Phê ra tra cứu, thì không có chứ tái hôn mà có chữ tái hợp: “sum họp, đoàn tụ trở lại sau thời gian xa cách”. Nếu hiểu theo nghĩa này thì “Tái hôn” là sự trở lại với bí tích hôn nhân trước khi ly dị, chứ không phải kết hôn mới. Nhưng chẳng lẽ, tái tạo lại hôn nhân cũ với nhau mà giáo hội lại làm khó dễ với đôi hôn nhân để không cho rước lễ??!!

khong phan ly

Trên đây là đôi điều suy nghĩ thô thiển của người giáo dân (Phụ huynh) về vấn đề “Ly dị và Tái hôn”. Rất mong được các đấng bậc trong Giáo hội làm sáng tỏ vấn đề, để người giáo dân thông hiểu hơn những vấn đề nóng của Giáo hội.

Xin cám ơn.

Nguyễn Vĩnh Căn – GX Châu Sơn

 

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …