Châu Sơn ta ơi! Ô hay đời bỗng nhiên vui!!!

Chỉ cách đây mới vài năm thôi, có người còn than trách: tiền nhân ơi! Sao cái năm 56 lại chọn mảnh đất Châu Sơn ở cái chốn “cùng sơn bí ngõ” khốn khổ thế này!? Tiếng là ở sát nách TP mà có được lợi lộc gì đâu? Một lối về qua buôn thượng (Buôn Đung) án ngữ trước khi vào làng, lấy đâu ra cuộc sống văn minh với tân tiến đây chứ!?

Có người khách tới Châu Sơn, sau khi tham quan còn bảo: Châu Sơn ở cái thế bức bối “chim lồng cá chậu”, tứ bề vây hãm bởi các thôn buôn dân tộc, gồm Thôn I, IV, V, VI, VII. Phía tây, làng lại tựa vào vách núi Cư Ebur sừng sửng, bưng bít hết thế khai thông khẩn hoang lập ấp. Đến những giải đất đỏ bằng phẳng màu mỡ cũng thuộc quyền sở hữu của các thôn buôn dân tộc. Cũng may, làng Châu Sơn được “đóng đô” trên hai gò đất khá bằng phẳng được phân ranh bởi một rạch khe suối “cầu ông Tuệ” chia thành xóm trong và xóm ngoài.

Xét về khách quan, Châu Sơn ở một vị thế bất lợi, so với các làng di cư Nghệ Tĩnh như: Trung Hoà, Hà Lan, Đức Minh…họ có một quỹ đất nông nghiệp quanh làng bạt ngàn. Đã thế, về giao thông họ lại có đường quốc lộ thông thương: Hà Lan có quốc lộ 14. Trung Hoà có quốc lộ 27. Đức Minh có quốc lộ 14…nên tuy các làng này ở Huyện xa TP, nhưng việc giao thông buôn bán thương mãi rất thuận lợi và phát triển…Còn Châu Sơn chỉ tựa vào con đường tỉnh lộ 5 vào đi huyện…là chính.

Dần dà người Châu Sơn cũng biết tự thân bành trướng đất đai, bằng cách mua bán đổ chác để có được những giải đất đỏ bằng phẳng như thôn1, thôn 7…Nhưng với số dân lên đến 5 -6 ngàn dân thì số đất đó chẳng thấm tháp vào đâu…Cuối cùng người dân đành phải bươn tẩu đi di canh hàng chục cây số ở các vùng xa: buôn Ki, buôn Niêng, đất trắng 201, 384, cầu 5, cầu 6, Buôn Ba…mới có đất để canh tác. So với các làng di cư khác, đất đai họ đã bao la lại còn phì nhiêu mầu mỡ, còn Châu Sơn đất đai đã gò đồi lại sỏi đá, không thuận tiện cho các cây công nghiệp như cà phê, tiêu, thanh long…Nguồn nước khe suối, hồ ao hạn chế, phải đào giếng hay giếng khoan. Nhưng phải nói, nhờ sự cần cù lao động, cây trồng mới có được sản lượng không mấy thua kém các làng khác.

Trong khi đất đai ngày một thu hẹp lại và con người càng đông ra, giá tiêu cà rẻ mạt…Châu Sơn đứng trước nguy cơ không còn đất sống…

Bỗng đâu, ô hay đời bỗng nhiên vui!!!

Năm 2011, không biết con tạo xoay vần thế nào mà bỗng dưng, con đường vành đai mở ra, cắt ngang qua làng Châu Sơn. Thoạt đầu mới nghe, dân làng ai cũng ngán ngẫm: đang sống yên lành an cư lạc nghiệp, bây giờ phải dời cư, bảo sao không lo lắng. Rồi không biết nhà nước đền bù ra sao đây…??? Không ai có thể tin tưởng vào vận mệnh khi con đường vành đai được mở ra, liệu sau này có đem đến một tương lai sáng lạn??? Trước mắt, người dân chỉ biết, đất đai rẫy nương và thổ cư bị đường vành đai cắt đứt thì đau lòng. Rồi mọi chuyện đền bù và cấp đất tái định cư cùng được ổn thoả “mát mái xuôi chèo”…

Phải đến năm 2016 thì con đường vành đai mới được hoàn thành đưa vào lưu thông…

Con đường vành đai mở ra, đã mau chóng trở thành huyết mạch giao thông nối liền hai tuyến Nam Bắc…Người Châu Sơn chỉ cần ra vẫy tay là muốn đi miền trong Bình Dương, Sài Gòn…hay đi ngược ra bắc: Gia Lai, Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội…rất tiện lợi.

Khi ở trên trục giao thông Nam Bắc, vị thế Châu Sơn được nâng cao trong bản đồ Thành phố. Con ĐVĐ mở ra như “sao chổi” quét một cánh cung khoảng 5 Km dọc hai bên đường đi qua rẫy nương và thổ cư của người Châu Sơn…Lúc này thì người dân Châu Sơn nói chung và người dân thôn 2 nói riêng, sướng rên mé đìu hiu nha!

Phải nói người dân thôn 2 Châu Sơn được may mắn hưởng phép lợi thế ăn theo ĐVĐ hơn người thôn 3, vì người dân thôn 2 hầu như chiếm cứ hết đất đai rẫy nương từ thôn 7, đường Y Moan qua đất rẫy Chung – đường Nguyễn Đình Chiểu, đất Bộ đội…Và ngay cả khi ĐVĐ đi qua địa bàn thôn 3, thì đất thôn 2 vẫn chiếm ưu thế hơn cả thôn 3 – Đất Ma Ngạc, đất thôn 1, Rú Le…

Con ĐVĐ mở ra, rất thuận tiện cho việc phát triển mở rộng quy hoạch đô thị. Và vô hình chung, đất đai dọc theo ĐVĐ sẽ biến thành những khu dân cư – định cư và tái định cư. Điều này đã khiến cho những đại gia, những công ty bất động sản đánh hơi để kinh doanh đầu tư nhà đất, khiến cơn sốt đất dọc theo ĐVĐ bùng nổ…

Một trong những ngư ông đắc lợi là Châu Sơn…vài năm gần đây, cơn sốt đất vùng dọc theo ĐVĐ lên chóng mặt, đặc biệt là đường tỉnh lộ 5. Mới đầu năm 2017 giá đất cũng chỉ trên dưới 120 triệu đồng/1 mét chạy. Sang đến năm 2018 giá đất lên vọt mức 250 triệu/1m mà không mua ra. Trên trục lộ này còn có những lô thổ cư nhà ở, đặt giá mua 20 – 30 tỷ mà không ai bán.

Đất đai lâu nay vốn đã sốt giá sôi sục, nay có một sự kiện như thêm dầu vào lửa…Khi có một lô đất chưa đến 900 m2 nằm ở thế ngõ cụt đường E trong làng. Vậy mà có giá gần 2 tỷ, đã gây xôn xao dư luận: cái bộng “chó nằm thưa đuôi” dưới hốc như rứa mà có giá trên trời là răng?? Khen cho chủ nhân mảnh đất cả gan dám đòi với giá cao ngất ngưỡng như thế. Và từ đó, các đất vườn nhà đều quy chiếu theo đó để đòi giá tăng vọt lên.

Lúc này thì mặt tiền dọc theo ĐVĐ cũng leo thang lên với giá 200 triệu – 250 triệu/1m. Rồi đến những lô đất cách mặt tiền phía trong cả trăm mét cũng có giá từ 100 – 150 triệu/1m. Con đường truyền giáo lầy lội hoang phế lau lách là thế, mà dân bất động sản cũng mua kín cả rồi. Hiện có giá từ 50 – 70 triệu/1m. Bây giờ cơn sốt lan sang làng đê thôn 4, thôn 6…

Cập nhất tin nóng nhất, có chủ nhân người thôn 3, vừa bán một lô chừng 1 sào rưỡi ở mặt tiền ĐVĐ 8,5 tỷ đồng và một chủ nhân khác bán một lô phía trong 4 tỷ đồng…

Lúc này đây, nhịp sống của người dân Châu Sơn rộn ràng lên hẳn. Đi đâu cũng nói chuyện về giá cả đất đai rẫy nương. Rồi ta xi, xe con, xe tải cũng dần lấn chiếm lòng đường làng ngày một nhiều hơn. Chợ đầu làng cũng trở nên tập nập người mua bán qua lại.

Những quán sá dọc theo tỉnh lộ 5 cũng ăn theo, để nâng cấp lên một góc đường phố khá sầm uất. Bỗng đâu, trong làng, nhà mê, mái Thái, mái Tây cũng mọc lên nhan nhản, điểm tô bộ mặt của Châu Sơn khang trang và sáng sủa lên hẳn. Bán 1 lô đất 3 đến 4 tỷ không xây nhà mới, mua xe con thì làm gì cho hết tiền đây!!??

Nếu tính tỷ phú, đến thời điểm này, khó có làng di cư nào qua mặt nổi Châu Sơn. Bây giờ ở vùng phủ sóng ĐVĐ không mấy nhà mà không có đất sở hữu 3 đến 4 tỷ; Xem ra chuyện rất bình thường, đó chưa nói đến đất rẫy nương tiêu và cà phê cũng có giá 1 tỷ rưỡi/1ha. Nếu tính mặt bằng, có những nhà đất rẫy mặt tiền dài 150 -200 m thì phải có đến 30 – 40 tỷ ấy chứ! Ngạc nhiên chưa!!!

Lúc này đây, người dân hết lòng ca ngợi: tiền nhân ơi! Sao các ngài có con mắt tinh đời thế! Có thể tiên tri, đoán biết trước được ngày sau làng Châu Sơn sẽ có con đường vành đai đi ngang qua, để chọn nơi đây làm chốn định cư muôn đời cho con cháu. Và để xoá đi hình ảnh buồn thảm của mấy mươi năm phải sống trong cảnh “chim lồng cá chậu”.

Nghe đâu nhà nước đã có quy hoạch mở thêm ĐVĐ 2 và 3…kề cận núi Cư Ebur.

Oh my god!! Lạy Chúa tôi! Châu Sơn ta có mà sướng hơn thiên đàng nữa đấy chứ!!!

Nhưng tất cả sướng khổ vui buồn đều là hồng ân của Chúa ban cho.

GX Châu Sơn hằng cảm tạ và tri ân Ngài muôn đời…

Châu Sơn choa

 

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …