Có một đời tu, dẫu gian nan con vẫn trung thành…

Ngày ấy, khoảng năm 1992…có ba trung niên đi học tiếng Anh ở nhà Văn hóa Thiếu nhi TP Banmê. Anh Lê Xuân Lập đi học tiếng Anh là chính đáng, vì sắp được đi định cư ỏ Mỹ theo diện HO. Còn tôi và ông anh thì đi học cho vui là chính. Người dạy chúng tôi lại là người Châu Sơn, lúc đó đang là thầy – Trần Ngọc Anh (Trí).

Bỗng đâu, có một chàng trai trẻ cũng xuất hiện ở cung văn hóa…Chàng trai chào hỏi chúng tôi rối rít: “Chào các bác! Các bác đi học đã lâu chưa?”. “Gần được 2 năm rồi”. “Có chi các bác chỉ bày cho em với…”.

Ai ngờ, “hậu sinh khả úy”, chàng trai đó có khả năng đàm thoại và nghe tiếng Anh rất tốt, vượt qua cả các đấng đàn anh.

Cuộc hội ngộ chỉ ngắn tày gang, nên sau đó chia tay, đường đời mỗi người mỗi ngã.

Rồi bỗng một hôm, nhận được thiệp mời “Cha Bắc chỉ mời chắc ba”.

Ngạc nhiên chưa!!!

Ngạc nhiên là vì anh chàng này, trước 75 chỉ mới 8 tuổi, nên chưa dự tu một trường lớp chủng viện CVK hay Lê Bảo Tịnh một ngày nào cả. Khi dự tu, tuổi tác cũng khá lớn rồi, lại đi tu thời buổi nhà nước xét duyệt lý lịch rất nghiêm nhặt. Đến những dân đi tu chính quy CVK và LBT mà còn bị làm khó dễ, để rồi ngậm ngùi chia tay với câu: “Chúa không chọn”, chứ có biết đâu là do nhà nước không chọn rồi đổ oan cho Chúa.

Cả Châu Sơn ai cũng ngạc nhiên chứ không phải riêng mình tôi đâu. Sau này người ta bảo, ở Châu Sơn có hai người đi tu làm cha “khỏe ăn nhất”, “làm nhởi mà ăn thật”. Đó là cha Phanxicô Salêsiô Trần Huy Huề và cha GB Nguyễn Huy Bắc.

Đó là việc của Chúa chọn, xin được no table – không bàn. Vì chắc là trong tầm ngắm của Chúa thì không thể sai lầm nữa rồi.

Nhưng xem ra cuộc đời đi tu như cha GB Nguyễn Huy Bắc cũng không đơn giản như chúng ta tưởng đâu. Cũng ba chìm bảy nổi chín lênh đênh…lắm thay!!!

Tôi xin chia sẻ đôi nét về những khó khăn trong hành trình ơn gọi tu trì và sứ vụ Linh mục của một người con xứ Châu để mọi người cùng tạ ơn và cầu nguyện:

Vào những năm cuối thập niên 80, khi bình minh của các chủng viện bắt đầu ló rạng ở phía xa của bầu trời, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai ra văn thư mời gọi những người đã tu trước năm 75 và những người muốn bước theo đời dâng hiến, đăng ký vào chủng sinh giáo phận, thầy Bắc nhà ta cũng phấn khởi đăng ký vào danh sách chủng sinh đoàn giáo phận.

Nhưng rồi, đến ngày gặp gỡ tất cả những người đã đăng ký, Đức Cha cho biết, viễn cảnh gia nhập Đại Chủng Viện theo thứ tự ưu tiên, từ những người đã đi tu trước 75, sau đó mới đến những người mới gia nhập. Nếu tính nhẩm, 6 năm, ĐCV mới tiếp nhận một lần và mỗi lần 10 người và như thế với số lượng gần 40 người cũ và hơn 90 người mới, và như thế, vị chi là gần 30 năm nữa mới tới phiên những người mới…Thế là nhiều người mới bắt đầu rút lui từng người một.

Dẫu biết thế, nhưng mầu nhiệm ơn gọi của thầy thật lạ lùng…Cho dẫu những thử thách trước mắt thật cam go, nhưng thầy vẫn tiếp tục âm thầm lặng lẽ theo đuổi con đường tu trì với tất cả lòng nhiệt huyết…

Ngày thường ở Châu Sơn, lo việc nhà: tưới cà phê, ép mía và làm rẫy, ban đêm âm thầm đạp xe vượt chẳng đường lầy lội của những ngày mưa dầm ra thành phố học Anh Văn.

Thế rồi, bỗng dưng đầu năm 1990, bề trên gọi quy tụ về TGM để chuẩn bị nhập ĐCV. Nhưng là đi tu lặng lẽ như những chú làm vườn thôi. Tháng ngày dùi mài học tập tại TGM dần trôi nhanh…Thánh ý Chúa nhiệm mầu khôn sánh…

Giữa năm 1993, nhà nước thay đổi quyết định thời gia nhập ĐCV từ 6 năm xuống 2 năm. Thế là niềm mơ ước đã được nhen nhúm để trở thành hiện thực: Ngày đầu tháng 11 năm 1993, thầy cùng với 4 thầy Châu Sơn được gia nhập ĐCV. Thầy Bắc nhà ta học khóa II chính thức (6 năm).

Sau khi học xong ĐCV, vì 12 anh em BMT tuổi khá cao nên được truyền chức phó tế ngay tại ĐCV trước khi về lại giáo phận nhà. Niềm vui vừa vỡ òa cũng là lúc nỗi lo toan lại tuôn về.

Thầy nhận được tin đi thực tập mục vụ tại vùng Phước Long, một vùng đất mới nghe qua đã thấy ngại ngùng, một phần về đường xa cách trở, vì lúc bấy giờ đường quốc lộ 14 chưa thông thương như bây giờ, đàng khác đây lại là vùng mà cha Cậu Phêrô Trần Đức Sâm đã hy sinh thân mình và thân xác đang nằm lại nơi nào đó chưa tìm thấy!??

Được cha Phaolô Võ Quốc Ngữ coi như là “con”, nên cha xin thầy Bắc về Long Điền ở với cha GB Nguyễn Văn Hậu, để chuẩn bị ra làm phó cha Phaolô Võ Quốc Ngữ tại giáo xứ Phước Long. Vì lúc bấy giờ cha Ngữ đang làm quản xứ Đồng Xoài, kiêm quản hạt Phước Long.

Thế là thầy Bắc từ GX Long Điền ra GX Phước Long. Đây là giáo xứ 25 năm trước đây Cha Cậu Phêrô Trần Đức Sâm làm quản xứ. Một giáo xứ, do chiến tranh toàn bộ cơ sở vật chất bị tàn phá, đoàn chiên tản mác mỗi người một phương, chỉ còn lại một nghĩa trang đầy những nấm mồ vừa bốc vội, giáo dân chỉ mới bắt đầu quy tụ sau nhiều năm vắng bóng chủ chăn.

Ngày đi nhận nhiệm sở, khi đối diện với hoàn cảnh thực tế thấy trước mắt toàn là những khó khăn chồng chất: một nghĩa trang trống, chỉ có một ngôi nhà tạm bợ để che mưa che nắng, nấu bếp phải làm thêm mái che, còn nhà thờ chỉ mới đào được mấy hố móng, đất vẫn còn mới chưa khô.

Sau gần 10 năm làm Cha quản xứ Phước Long, cha Bắc được cử đi du học ở Phillipin. Ngài theo học 4 năm tại hai trường khác nhau với hai văn bằng CH: Mục Vụ Giáo Lý và Truyền Giáo.

Thời đó, nghe nói cha đi học lắm lúc phải tự thân lo: một ba lô đi chợ búa nấu nướng, ăn uống đạm bạc, nơi ăn chốn ở cực khổ! Nhưng rồi cha đã quyết chí “tu tâm dưỡng trí” để “tầm sư học đạo” cho đến ngày “xuống núi” về nước…

Một hôm, về TT Mục Vụ học chương trình Giáo Dân Trưởng Thành. Gặp cha Bắc:

– Chào cha Giám đốc TT Mục Vụ ạ!

– Chào anh Kính! Lâu ngày khỏe không anh?

– Cám ơn cha, vẫn phình phường ạ! Tôi với cha trò chuyện vẫn hay tếu táo thế!

– Chức tước chi anh, chẳng qua là chức bảo vệ trông coi TTMV thôi mà, chứ cao trọng chi cho cam…

– Nhưng dù sao thì cũng là Giám đốc, thử hỏi trong GP ta được mấy người có chức danh này!!?

Thăm hỏi đôi ba câu chuyện rồi việc ai nấy làm, đường ai nấy đi…

Dường như sau lần tu học đó về, con người của cha đổi mới hoàn toàn. Cung cách thuyết giảng của cha lưu loát và có tính hùng biện…

Và mỗi năm cha thường về giảng ở núi Chúa vào dịp KiTô Vua, hay ngày lễ linh hồn. Phải nói, bài giảng của cha nghe rất ấn tượng…

Một người thuyết giảng hay, ít nhất phải có 4 tiêu chí này: Giọng nói có âm lượng vang và rõ ràng – Đề tài phải phù hợp với người nghe – Có sức thuyết phục người nghe – Có sức gây cảm hứng người nghe…

Dường như, cha Bắc nhà ta đã thâu tóm cả bốn!!??

Giọng nói của cha Bắc vang và rõ ràng thì cha có thừa. Vì cha thuộc giọng Tenor Barytone. Âm lượng phát ra vang và đầy. Giọng của cha nghe khá chuẩn, mặc dầu cha là người Trung.

Đề tài phải phù hợp với người nghe. Yếu tố này, cha rất khôn khéo và tinh tế để chuyển trạng thái của một bài phúc âm nghe đã quá quen tai, thành tính đời thường để đem vào bài phúc âm, khiến cho người nghe cảm thấy gần gũi và thân quen…Tâm lý người nghe, điều gì thân quen cũng dễ thích ứng và dễ cảm nhận.

Có sức thuyết phục người nghe: Đây là mấu chốt cho bài giảng hay…cha thường đan xen câu chuyện đời thường đầy tính thời sự, gây chú ý cho người nghe, rồi mới tương phản vào bài giảng với những ý nghĩa thần học sâu sắc để hòa nhập chuyện đời vào dòng chảy bài giảng làm một, khiến người nghe cảm thấy hòa hài tính đạo và đời… Chẳng những thế, cha còn pha chút gia vị tếu táo và dí dỏm vào, làm cho bầu khí nghe giảng thêm hào hứng và thu hút, từ đó tạo được sự thích thú cho người nghe.

Chính điều thích thú này đã tạo cảm hứng cho người nghe quên thời gian …

Phải chăng, nhờ ba tấc lưỡi của “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương” (ND) để cha có cái lợi thế tiến thân lên đến chức cao: Phó trưởng ban Giáo lý Đức tin toàn quốc. Rồi Trưởng ban Giáo lý đức tin miền Trung. Trưởng ban Giáo lý đức tin GP BMT. Những chức vị này, có lần trong tâm tình anh em, cha đã thật tình chia sẻ…

Và nghe đâu, cha đang được tiến cử lên chức danh gì gì…đó, của Giáo phận?? Nếu được như thế thì, quả thật là một ân phúc lớn lao cho riêng cha Bắc, và cũng rất vinh dự chung cho GX Châu Sơn chúng ta.

Quả thật, không có việc gì mà Chúa không làm được.

Phải chăng, cha GB Nguyễn Huy Bắc là một trường hợp như thế!!

Đã có một đời tu, dẫu gian nan con vẫn trung thành…

Nguyễn Văn Kính

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …