50 năm NGƯỜI CHÂU SƠN – PHẦN III

TỔNG KẾT 50 NĂM

NGƯỜI CHÂU SƠN

1956 -2006

PHẦN III

C1

         I.VỊ TRÍ:

         Giáo xứ Châu Sơn toạ lạc theo hướng Tây Bắc, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột chưa đầy 3 km. Có tuyến đường tỉnh lộ đi ngang qua đầu làng vào Cuôc Knia. Phía Đông giáp thôn 1 và UBND xã CƯEBUR. Phía Bắc giáp thôn 4 và thôn 6. Phía Tây có núi Cư Ebur che chắn. Phía Nam tiếp giáp ruộng thôn 1 và phường Thành Nhất.

C2C4

       – Châu Sơn có hình dạng tựa đôi cánh bướm. GX Châu Sơn bao gồm 2 thôn: Thôn 2 và 3, thuộc xã Cư EBUR -TP BMT.

      – 1955 Di cư từ miền Bắc vào tạm cư tại Mường Mán – nay thuộc GX Thọ Tràng -TP Phan Thiết.

      – 26-8-1956: lên Thị Xã Buôn Mê Thuật, Tỉnh Đắc Lắc và định cư tại vị trí dòng Châu Sơn- nay dòng Châu Sơn đã dời về Huyện Đơn Dương, Tỉnh Lâm Đồng – nhưng tên gọi vẫn còn giữ lại cho GX Châu Sơn. Làng được thành lập mang tên thôn Thọ Trường – ghép từ Thọ Ninh và Đông Trường- thuộc xã Eahneh, thị xã Ban mê thuật, tỉnh DarLac.

C6C7

      – 1975 Thôn Thọ Trường đổi thành thôn hai và thôn ba, thuộc xã CƯ EBUR, Thành Phố Buôn Ma Thuột. GX Châu Sơn nằm trong vùng quy hoạch Đô thị của TP BMT.

  • Dân Số: Tính đến ngày 31.12.2005 có 1056 gia đình với 4.982 người thuộc bốn Giáo họ.C8C9

 II. ĐỜI SỐNG – TẬP QUÁN – TÍNH TÌNH:

      Từ dòng chảy sông La trải qua bao miền Trung Du vào đến miền đất Tây Nguyên, Đắc Lắc, có lẽ “ hương đồng gió nội đã bay đi ít nhiều”.

      Chúng ta thử nhìn lại bản chất cố hữu của người giáo dân GP Vinh, thông qua tác giả Hồ Đức Hân trong LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN VINH. Tác giả viết: Đất Nghệ-Tĩnh-Bình, được kể là cằn cỗi…Nhưng nhờ ý chí và sự cần cù nên khắc phục được mọi khó khăn… “Khéo ăn thì no khéo nằm co thì ấm”…Phải chăng nhờ nung nấu trong hoàn cảnh ấy, dân Nghệ-Tĩnh-Bình nói chung có nhiều đặc tính:tiết kiệm, cần cù, chăm chỉ, thật thà, ngay thẳng, tự tin, tự chủ. Từ đó nhiều khi tiến thêm một bước: Can đảm, hiên ngang, tự phụ, tự đắc, không sợ kẻ có quyền thế, và điểm thêm chút đầu óc lãnh tụ.

       – Tư cách và nếp sống nói chung bản tính ít bay bướm, ít hào nhoáng, ít khoe khoang, và cũng ít tế nhị, nghĩ sao nói vậy…Chân chất, thật thà, đôi khi còn ra vẻ quê mùa cộc cằn.

      – Cách ăn mặc, nói chung thường ăn chắc mặc bền: Ăn xem nồi, ngồi xem hướng, hay: Liệu cơm gắp mắm. Trong nhà ăn mặc bình thường, và khi ra ngoài cũng không quá trau chuốt…

      – Người dân Nghệ-Tĩnh-Bình thường không quá quan trọng đối với: Quan, Hôn, Tang, Tế. Nói chung, họ có tinh thần tri kỷ, tri chỉ, tự túc tự cường. Tang chế không có tục thương vay khóc mướn. Tang phục cho cha mẹ: Hai năm ba tháng mười ngày…với quần áo trắng vải thô, trái sống sổ chân. Tang chế nặng về trực hệ: Chồng Cô, vợ Cậu, nhôông Dì- Nếu ba người âý chết thì vô tang, hoặc thông gia ba tháng, láng giềng ba ngày…

      Sau 50 năm vật đổi sao dời. Liệu cam Xã Đoài trồng đất miền Nam có còn ngọt nữa chăng? Huống chi là con người Châu Sơn đã khoác cho mình chiếc áo của miền Đất mới, Trời mới và dòng chảy liên tục của thời đại, tránh sao khỏi “áo xưa không bạc màu thời gian”.

  • CHÂN CHẤT, HIỀN HOÀ, LAM LŨ, CẦN MẪN: Gần như là bản năng gốc của người Nghệ Tĩnh. Tuy nhiên theo thời gian thì những tình chất trên không còn ở dạng nguyên mẫu nữa, mà biến thành một thể trạng mới phù hợp với cuộc sống mới. Chẳng hạn, chân chất ngày nay không thể là mộc mạc nhà quê và ngây thơ. Lam lũ và cần mẫn không còn là đầu tắt mặt tối như xưa, khi cuộc sống đã có của ăn của để.

      – Ăn mặc trong nhà bình dị. Khi đi ra ngoài ăn mặc tươm tất, không quá trau chuốt, loè loẹt.

         Ngày nay, áo dài khăn đóng không còn được các cụ ông mặc trong các dịp lễ hội. Chỉ còn ngày mồng 2 tết, ngày lễ truyền thống tết ông bà, các cụ ông cụ bà trên 70 tuổi mới xúng xính mặc quốc phục khăn đóng áo dài nữa mà thôi. Tục hút thuốc lào với điếu cày cũng đã mai mốt, thậm chí các thế hệ trẻ sau chẳng còn biết điếu cày là cái gì. Các cụ bà không còn đeo áo Đức Bà, đeo mẫu yên du, mặc mấn, búi tóc vấn khăn nhung…Tục ăn trầu cũng chỉ dùng lấy lệ tượng trưng trong nghi thức đám hỏi, đám cưới, chứ chẳng còn ai ăn nữa.

Không biết có nên buồn khi những tập quán đó đã bị dòng thời gian xóa nhòa sau 50 năm? Tục mặc quốc phục áo dài khăn đóng của các cụ ông trong lễ hội vẫn đẹp, vẫn trang trọng và dân tộc tính đầy mình! Tục mang áo Đức Bà để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ, thể hiện tinh thần đạo đức vẫn tốt chứ sao không! Tục ăn trầu của các cô các bà làm cho môi thắm má hồng, cũng tâng cái xinh đẹp, cái duyên dáng phái nữ lắm chứ! Phải chăng, những tập quán, phong tục tốt đẹp trên đã lạc hậu lỗi thời để lớp trẻ quay lưng lại? Đành rằng, dòng chảy thời đại là một sự sàng lọc: khơi trong gợn đục. Nhưng hãy nhớ rằng: cuộc sống thời đại, cho dẫu dòng đời đó, có bão táp mưa sa cuồng lũ, nhưng không thể xóa lấp được những giá trị tinh thần căn nguyên cội nguồn của một dân tộc, và chân lý không chi lấn được! Chúng ta thấy một đất nước Nhật hiện đại bậc nhất thế giới, nhưng giới trẻ vẫn luôn bảo tồn và quảng bá những giá trị truyền thống cổ của dân tộc mình. Cổ kính truyền thống vẫn song hành bên dòng chảy thời đại. Đó mới là thể hiện cao tính nhân bản, tính cội nguồn của một dân tộc đấy các bạn ạ!

  • BẢO THỦ: Vẫn là tính chất căn cốt của con người miền quê: khó thay đổi được nếp sống, suy nghĩ…Dù biến trải qua bao thăng trầm của thời đại.

      – Sống co cụm và quây quần với nhau, dù” Dại đàn hơn khôn độc”.

      – Kỹ tính trong công việc, cũng là vòng “Kim Cô” tự trói chặt lấy mình, nên không thểu khoáng đạt, ít tính lãng mạn trong cuộc sống, ít dám phiêu lưu và đột phá trong các kế hoạch kinh tế. Ngại thay đổi điều kiện sống. Dại đàn hơn khôn đọc. Chỉ chân chất là một nông dân – Cày sâu cuốc bẩm. Kỹ tính cũng là bản chất của sự chi li, thiếu rộng rãi trong việc mở bao hầu đóng góp công việc chung.

      – Cầu an, vô sự cũng là tính chất tiêu cực – ngại đấu tranh để tránh đau, lão giả yên chi. Cũng là một sự vô tâm cần xét lại.

  • SĨ DIỆN:  là gen di truyền của những kẻ sĩ “cá gỗ” lên kinh thành thi cử. Không dám nhận chân sự thật. Sĩ diện hão. Không có nhưng cũng làm ra vẻ ta đây.    

       – Tỏ ra hiếu khách, chuộng lạ. Những người nhập cư vào GX luôn được trọng dụng, chí ít là thời gian đầu. Nhưng lại tỏ ra kèn cựa người trong làng với nhau. Tâm lý không muốn ai hơn mình. Chính vì điều này, mà một thời, người trong làng buôn bán kinh doanh rất khó làm ăn. Tuy nhiên, việc đô thị hóa, tiện đâu mua đó, đã xóa đi sự vị kỷ đó.

  • TỰ MÃN: cũng thuộc phạm trù nhân văn của người miền quê có của ăn của để. Tự bằng lòng với mình là điều tốt, song sự tự mãn của người Châu Sơn có vẻ tự hào, kiêu hãnh… Trong ý nghĩ, người Châu Sơn tự cho mình là ưu tú, văn hoá, đẳng cấp…hơn các GX khác. Nực cười thay, đó là ý tưởng của “cóc ngồi đáy giếng”, bởi vị trí của Châu Sơn chỉ tù túng như “chim lồng cá chậu”, không có thiên thời, địa lợi để hội nhập và phát triển tầm cao về kinh tế và văn hoá.

        Lúc này đây (2014), con Đường Vành Đai xuyên qua Châu Sơn đang trong quá trình thi công, hy vọng sẽ phá vỡ được thế bế tắc của người Châu Sơn gần 60 năm nay (1956-2014).

  • ĐOÀN KẾT – YÊU THƯƠNG – VÀ ĐÙM BỌC NHAU: trong những hoàn cảnh, gian nan, dâu bể, tối lửa tắt đèn, là biểu hiện vẻ đẹp tình làng nghĩa xóm của người Châu Sơn: không tiếc công của.

  • CHƯA HỘI NHẬP VỚI XÃ HỘI: Chỉ 5-10 năm trở lại đây, nguồn nhân lực có trình độ văn hóa của GX Châu Sơn mới bắt đầu tham gia đóng góp vào các chức vụ: Hội Đoàn, Ban ngành…trong GX.

          –  Về Xã Hội – Thôn Xã, giới sĩ phu hầu như ngủ quyên trong an phận người nông dân. Sự vô tâm và bất cộng tác với xã hội của giới sĩ phu Châu Sơn, phải chăng là do những nguyên nhân sau:

         –  Mặc cảm với chế độ? Vì tự nghĩ người chế độ cũ chẳng ai tin dùng?

     –  Rào cản Tôn Giáo? Phải chăng làm cản bước tiến hội nhập xã hội. Lý do thật đơn giản: có đạo thì không thể tham gia Đoàn Đảng? Và như thế thì không thể thăng tiến trong cơ cấu chính quyền thôn xã…

      –  Cầu an, vô sự, khiến cho người Châu Sơn không mấy mặn mà đua chen vào chốn quan trường – ăn chẳng no, mà lo đến thân? Thôi thì lão giã yên chi là kế sách.

        Chính các sĩ phu – Sinh từ 1940-1955 là những người có Tú Tài II cuối cùng của chế độ củ 1974, được gọi là “Thế Hệ Vàng”, phải có tinh thần trách nhiệm trước thời cuộc. Chẳng những thế hệ vàng không toả sáng được cái bản lĩnh của chính mình để dẫn dắt thế hệ đàn em, mà còn mang tinh thần chủ bại, bạc nhược, trước các diễn biến thời cuộc. Thiếu tinh thần trách nhiệm. Thiếu tình yêu quê hương, làng nước. Phải chăng gặp thời thế, thế thời phải thế? Phải chăng thời thế “đá dằn trên cỏ” mà buồn chịu? Mở miệng mắc quai, thắc là mắc!!? Phải chăng, tất cả đều phát xuất từ cái tâm ích kỷ, hẹp hòi, chỉ lo no thân ấm cật, mà quên xã tắc. Việc thôn xã là việc chung, ai làm chả được. Thế là trét cho đủ người, bầu cho được việc.

       Ngày nay, dù có bừng tỉnh và ý thức được tinh thần trách nhiệm, thì cũng đã quá muộn cho một thế hệ vàng đã qua đi.

  • KHÔNG BỊ ĐÔ THỊ HOÁ: Ngày nay, người Châu Sơn là những thị dân của TP BMT, nhưng đời sống và tập quán vẫn xạ lạ với phong cách của người dân Đô Thị.

      – Chưa có thói quen đọc báo và uống càfê mỗi sáng. Vẫn đánh cơm chắc bụng, chứ chẳng phở, bún…. Không ăn uống, nhậu nhẹt, la cà cơm hàng cháo chợ, sáng trưa tối.

     – Không có hàng quán: càfê vườn, Bia ôm, Karaoke, Hớt tóc Thanh Nữ… Người dân không tham gia vào các trò giải trí thiếu lành mạnh đó.

      – Không có bóng dáng các tệ nạn xã hội: Mãi dâm, Xì ke Ma Tuý, Đồng tính, cờ bạc, rượu chè say sưa trên mảnh đất GX Châu Sơn.

        GX Châu Sơn thật đúng nghĩa: Làng Trong Thành Phố. Đó là những nét đẹp văn hoá người Châu Sơn còn giữ được trước cơn lốc Đô Thị hóa chóng mặt trên khắp mọi miền đất nước.

   III.NGÔN NGỮ – VĂN HOÁ – NGHỆ THUẬT

  • NGÔN NGỮ

     – Cung Giọng: vẫn là giọng miền quê Nghệ Tĩnh, nhưng người Châu Sơn nói tương đối dễ nghe – không lên bỗng xuống trầm, tuy không nhẹ, nhưng cũng không quá nặng.

      – Tiếng Nói: Người Châu Sơn, ngày càng ít nói tiếng phương ngữ ở quê nhà Hà Tĩnh đem vào. Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thường dân dã vẫn còn bàng bạc ít nhiều tiếng phương ngữ xưa, ngay cả các thế hệ sau cũng khá xa lạ. Chẳng hạn: con trâu ăn trù (con sâu ăn trầu), nhà choa ở ngái lắm troong rú (nhà tôi ở xa lắm trong núi), nác( nước), gặt ló (gặt lúa), mần (làm), trấy(trái), mun (tro), ngá mợ (ngứa mỡ), hun (hôn), troét (nói phét), hui (thui), lưa (còn), mui (môi), chộ (nhìn thấy)…

  • KHUYẾT ĐIỂM: Cũng như người GP Vinh, người Châu Sơn cũng có những cách phát âm trại giọng, sai lệch nguyên ngữ:

     Thay đổi vần cuối ÂU thành U khi ghép với các phụ âm: b,d,n,s,tr…Ví dụ: Bầu = Bù, Dâu = Du, Nâu = Nu, Trâu = Tru, …     

      UÂN = UN khi ghép với các phụ âm: d,h,x,t,qu, th…Ví dụ: Huân= Hun, Luận = Lụn, quân = Cun, Thuận = Thụn …

        OC= OOC khi ghép với các phụ âm: b,h,m,r…Ví dụ: Bóc bánh = Boóc bénh, Móc họng = moóc họng, Rọc giấy = Roọc giấy…

      Thay đổi cả mẫu tự: Ví dụ: Ngã (té)= Bổ, Dây= Chạc, Không làm= Nỏ mần, Không chơi= Nỏ nhởi, Nghỉ ta= Hắn ta, Già= Tra…

       Khuyết điểm lớn nhất là phát âm ít phân biệt dấu hỏi, ngã, nặng.

  • ƯU ĐIỂM: Tuy nhiên người Châu Sơn gốc GP Vinh vẫn có những ưu điểm về phát âm: Không lẫn lộn giữa các phụ âm TR và CH. Trông không đọc lẫn lộn là chông như người Bắc. Âm D và R không lẫn lộn với GI và D: Dao khác với Giao ( hừa). Dầu khác với Rầu. Rời khác với Giời. L không lẫn lộn với N. No khác với Lo. S không lẫn với X: Sa khác với Xa.

***

  •  50 NĂM VĂN HOÁ

  • 20 NĂM TRÌNH ĐỘ VĂN HOÁ TRƯỚC 1975: Như khát khao cái chữ lâu đời ở miền Bắc – do điều kiện kinh tế và trường ốc hạn hữu – chỉ sau 3 tháng định cư, người Châu Sơn đã dựng hai mái nhà tranh, vách nứa cho con em học hành. Mặc dầu phải đối diện với muôn vàn khó khăn: cơm, áo, gạo, tiền, người Châu Sơn vẫn ý thức việc học con em là cấp thiết.

         – Trình độ và tuổi tác không đều nhau. Trong 1 lớp chênh lệch 4, 5 tuổi.

         – Thầy giáo người làng phải tự túc, tự cường để dạy học cho con em.

          – Trải qua gần 20 năm (1956 – 1975) trình độ văn hoá có biểu đồ như một cây xanh tán rộng, lên ngang tầm lớp 11(tú tài 1) cây gần như bị cắt tán ngang. Tỷ lệ học sinh các cấp:

              95 % đạt trình độ cấp I – Tiểu học.

              85 % đạt trình độ cấp II- Trung học cơ sở.

              40 % đạt trình độ cấp III- Trung học Phổ Thông.

                5 % đạt trình độ Đại học , cao đẳng.

        Những người thế hệ sau 1975 sẽ rất ngạc nhiên khi cấp II có tỷ lệ học sinh là 85 % mà lên tới cấp Đại học chỉ còn 5 % ít ỏi. Lý do thật đơn giản: Di cư và chiến cuộc – bị động viên nghĩa vụ quân sự.

  • TÍNH CHẤT – ĐẶC TRƯNG CỦA HỌC SINH TRƯỚC 1975

         –  Hiếu học, nhưng không quá chăm mê học ngày đêm thêm bớt cua kéo như học sinh ngày nay, nhưng chất lượng học tập vẫn cao.

        –  Điều kiện đi học khá vất vả: Đi bộ hoặc xe đạp với con đường lầy lội, trơn trượt mùa mưa, và nắng cháy bụi mù đất đỏ vào mùa khô. Thật là Châu Sơn đạo nan.

         –  Được phụ huynh quan tâm đúng mức.

       –  Tự chủ và sớm trưởng thành hơn học sinh sau 75. Phải chăng, vì trải qua quá nhiều dâu bể: Di cư và chinh chiến.

         – Luôn có tinh thần tôn sư trọng đạo: trìu mến, thân thương và tôn trọng các thầy cô.

        – Mặc dầu không có điều kiện học cao rộng và thành đạt, nhưng lại có tầm nhìn khái quát về các lĩnh vực nghệ thuật : Văn học, ca nhạc, mỹ thuật….

       Nhiều LMQX đã đánh giá cao về năng lực và tầm hiểu biết của thế hệ học sinh 1956 – 1975.

  • 30 NĂM TRÌNH ĐỘ VĂN HOÁ SAU 1975:

      Khi một ý thức hệ bị đốn ngã, sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ: tâm tư, đời sống, não trạng cũng sụp đổ theo. Người Châu Sơn gần như thu mình vào cái vỏ ốc Tôn Giáo, không còn quan tâm đến các sinh hoạt xã hội, mặc dầu vẫn sống trong cơ cấu chính quyền mới.

      Xét cho cùng, người Châu Sơn vẫn có lý: Học mà làm gì ? Rồi cũng chỉ theo sau khu trâu, bò cày sâu cuốc bẩm mà thôi. Tự mặc cảm với một lý lịch quá nặng nề: Di cư, Công Giáo, chống cộng, thì làm sao chế độ mới tin dùng.

      Phải mất 15 năm sau (1975 -1990), Người Châu Sơn mới tỉnh giấc mơ màng trước những diễn biến thời cuộc. Đó cũng chính là lúc Đất nước trở mình với dòng chảy mới: Đổi mới tư duy và khai sáng (Perestroika) của TT M. GorBachop – Liên xô cũ- Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hiện đại hoá đất nước, làm bừng tỉnh cơn mê ngủ của người Châu Sơn, khi có chút vốn liếng kinh tế lại muốn quân bình văn hoá, vốn đói kém lâu nay. Nhưng sự thức giấc mỏi mệt và gắng gượng với những chỉ số không mấy khả quan:

            Gần 100 % Tốt nghiệp cấp I.

                    70 %  Tốt nghiệp cấp II.

                    30 %  Tốt nghiệp cấp III.

                    10 %    Tốt nghiệp cao đẳng, Đại học.

      Nhìn vào chỉ số trình độ văn hoá của con em học sinh GX chúng ta so với các GX bạn là quá thấp và đáng hổ thẹn.

          Lý do trình độ văn hóa thấp kém của con em chúng ta:

      –  Phụ huynh học sinh thiếu tầm nhìn phổ quát để đánh giá được sự khẩn thiết và cấp bách của việc học trong một xã hội đương đại duy lý trí hơn là cơ bắp.

       –  Phụ huynh học sinh thiếu quan tâm và đầu tư đúng mức cho việc học hành của con em.

       –  Phụ huynh học sinh không đủ trình độ để định hướng ban ngành cho đúng năng lực của con em mình.

        – Những nhận định sai lệch về thời cuộc đã khiến cho chúng ta phải trả giá rất đắt: 15 năm (1975-1990) con em chúng ta thất học. Tuy nhiên, cũng không thể đổ hết trách nhiệm cho phụ huynh, mà chính học sinh cũng dự phần vào trách nhiệm này.

      –  Học sinh không hiếu học, học hành hời hợt. Bị chi phối bởi công việc đồng áng, nên thiếu tập trung và chuyên chăm.

       –  Không ý thức được việc học trong thời đại này là hết sức khẩn thiết.

      – Không tự  tin vào năng lực của bản thân. Không mấy tin tưởng vào thành quả – công ăn việc làm do học hành đem lại.

      –  Thiếu ý chí quyết tâm và phấn đấu.

     Học sinh ngày nay có óc thực dụng hơn. Có nhiều ngành chuyên môn để lựa chọn.

      – Điều kiện đi học thuận tiện: Xe cộ và đưòng sá đi lại tốt hơn.

     – Điều kiện học cũng rất thuận lợi: Trường ốc khang trang và có nhiều lớp dạy thêm các môn học. Có máy vi tính, laptop, I pad… mạng Internet…để tự học rất thuận tiện.

  • 50 NĂM VĂN HOÁ: Chắc chắn còn có nhiều điều khiến Người Châu Sơn phải suy nghĩ và trăn trở. Chúng ta chưa thể bằng lòng với những thành tích quá khiêm tốn. Xin mượn lời của Nguyên Đức Giám Mục Trịnh Chính Trực- Nguyên LMGXCS: “Hãy nhìn lại 50 năm văn hoá, Người Châu Sơn các anh đã thâu hoạch đựơc những gì trong lĩnh vực văn hoá? Có bao nhiêu: Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, Cử Nhân, Kỹ Sư, Bác Sĩ… và thậm chí có bao nhiêu người tốt nghiệp cấp ba. Hay cái nôi văn hoá Châu Sơn chỉ sản sinh ra các ông anh, bà chị” Hai Lúa”, có của ăn, của để, nhưng tâm hồn lại rỗng tếch văn hoá”. 

  • NGHỆ THUẬT

       Người Châu Sơn nói chung, ít có năng khiếu, óc thẩm mỹ, và sự đam mê nghệ thuật. Không có hoa tay trong các nghề thủ công.

  • Âm Nhạc: không có Nhạc Sĩ, Ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp. Có chăng cũng chỉ là nghệ nhân sáng tác ca khúc theo yêu cầu Tôn Giáo và nhạc đời vui chơi mà thôi. Thánh Ca là mảng âm nhạc được cả GX ưa chuộng. Thập niên 80 nhiều ca đoàn GX hát hợp xướng thánh ca rất được hoan nghênh.

  • Trang Trí và Hội Hoạ: cũng chỉ là nghiệp dư, chỉ chuyên phục vụ cho nhà thờ.

         ĐỜI SỐNG TÂM LINH

           Ngày nay Châu Sơn không còn là một xứ toàn tòng, vì đã có pha trộn một ít Lương lẫn với Giáo. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự nhất quán: đồng tâm, ý hiệp xây dựng GX.

     – Người Châu Sơn vốn mộ đạo: Kính Chúa Yêu người. Lễ Lạt, Kinh nguyện sốt sắng và liên tồn, dù phải trải qua nhiều biến cố thời cuộc.

     – Người Giáo Dân luôn tỏ ra kính trọng các bậc Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ.

    – Trước 1975 phong trào cho con em đi tu rất được khuyến khích. Số lượng tu sĩ nam nữ khá đông vào các Chủng Viện Kon Tum, Lê Bảo Tịnh, Dòng Vữ Vương Hoà Bình, Dòng Mến Thánh Giá Tân Bình..Tu Sĩ Nữ gặt hái được nhiều hoa quả – Khấn trọn đời – hơn Tu Sĩ nam ( LM ).

     – Sau 1975 mặc dầu điều kiện kinh tế khó khăn và sự ngặt nghèo của thời cuộc. Nhưng lại được đáp đền cho sự gian nan đó bằng những mùa găt bội thu của tu Sĩ Nam lên phẩm hàm Menkicêdê và các Tu Sĩ Nữ lên bàn Thánh Hiến .

          Ngày nay, theo dòng chảy thời đại của cuộc nhân sinh bề bộn, tất bật, đã cuốn trôi mất những tập quán đạo đức… Đọc kinh tối gia đình dường như đã không còn tồn tại từ lâu nay trong làng xóm. Lần hạt 50 hạt cũng giảm xuống 10 hạt. Những kinh tối sáng thường ngày cũng bị tinh giản xuống…chỉ còn mấy kinh đơn giản…Thánh lễ ngày thường, hầu như chỉ dành cho những người cao tuổi: Phụ Huynh, Phụ Nữ…Và ngay cả thánh lễ Chủ nhật bắt buộc mà một số lớp trẻ không ít, đã bỏ hẳn không đi…Một số Tráng Niên và lớp trẻ, đi tham dự thánh lễ ngồi ngoài nhà thờ hút thuốc, nói chuyện chứ chẳng để tâm hồn vào thánh lễ. Hình như họ đi cho có lệ, hoặc bị bắt buộc…

          Giữ đạo hời hợt và vô tâm hững hờ như thế, liệu có ích lợi gì? Họ phải tự hỏi: họ có còn là người KiTô Hữu nữa chăng???  Hãy nhớ câu: “Lời lãi cả thế gian, mà để mất linh hồn nào có ích gì!!!”.

***

          KINH TẾ

  • 20 NĂM KINH TẾ TRƯỚC 1975: Từ một miền quê sông nước hữu tình, di cư vào một miền núi rừng Tây Nguyên nắng gió. Buổi đầu thật bỡ ngỡ. Nhưng rồi nhờ có những trợ cấp phủ phê: cơm, áo, gạo, tiền của chính phủ miền Nam, nên người dân cũng bớt phần vất vả và lo lắng về kinh tế.

         Nhờ đó, người dân an tâm tự lực, tự cường khai hoang khẩn ấp dần ổn định đời sống – nơi ăn, chốn ở. Nhờ có cái vốn cố hữu: cần cù, siêng năng, lam lũ, mà đời sống nông nghiệp trở nên sung túc, bởi các vụ mùa hoa màu: lạc, đậu , ngô, khoai…bội thu.

        Cuộc sống ngày càng ổn định và sung túc hơn nhờ vào lương bổng: Lính, Công nhân viên chức chính quyền. Nhờ đó mà những mái nhà tranh vách đất đã được thay thế những ngôi nhà mới, tính đến1975 có tỷ lệ nhà :

          5 % nhà tranh vách ván hoặc đất.

          40% nhà xây gạch mái tôn hoặc ngói.

          55 % nhà mái tôn vách ván.

  • 30 NĂM KINH TẾ SAU 1975: Thời kỳ hậu chiến luôn là một giai đoạn cực kỳ gian khổ và khó khăn cho mọi người dân. 90% người dân dựa vào đồng lương bổng của chính phủ Miền Nam. Nông nghiệp chỉ là thứ yếu, vì bị thu hẹp bởi chiến cuộc. Ngoài ra, những nghề : tiểu thủ công nghiệp, sản xuất, buôn bán, thương mãi…chẳng mấy phát triển. Và sự thay đổi thể chế đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân miền Nam nói chung và người dân Châu Sơn nói riêng lâm vào cảnh gần như bị phá sản và thất nghiệp. Hệ thống kinh tế và thương mại XHCN chủ yếu dựa vào cửa hàng mậu dịch nhà nước, HTX nông nghiệp, HTX xí nghiệp chế biến tiểu thủ công nghiệp …đã đem nền kinh tế nước nhà vào một thời kỳ nghèo nàn và cùng cực nhất.

          Nhưng rồi 15 năm bước quá độ của đêm dài kinh tế đã loé sáng một bình minh trong công cuộc đổi mới: Công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, mở ra một nền kinh tế phát triển và thịnh vượng. GDP liên tục tăng. Và người Châu Sơn cũng nằm trong quỹ đạo phát triển đó. Tuy nhiên cái thế mạnh Kinh tế cây trồng Công nghiệp: Cà phê, Tiêu…của người Châu Sơn bùng phát. Chỉ 10 năm (1990 – 2000) cũng đã làm thay đổi toàn cảnh cuộc sống của người Châu Sơn. Nhà cửa đã được xây cất lại đồng loạt khang trang hơn. Máy móc tư liệu sản xuất: máy nổ, máy cày, xe độ, xe càng, máy xay…ồ ạt về làng. Và những đồ điện gia dụng: TiVi, Tủ lạnh, Đầu đĩa, Vi tính, Máy giặt…đem về nườm nượp.

         Tính đến năm 2006, tỷ lệ nhà:

           90 % Nhà xây cấp 4, mái lấp, phòng lồi, đổ ô văng.

           8 % Nhà đổ mê và nhà mái Thái, mái Tây.

           2% Nhà tôn vách ván.

  • KINH TẾ TƯƠNG LAI TRONG QUY HOẠCH ĐÔ THỊ: Người Châu Sơn đang đứng trước những thách thức mới của dòng chảy Đô Thị hoá đang ngày một lấn dần vào GX Châu Sơn. Trong khi bài toán Kinh tế Nông Nghiệp đang ở vào thế bí: Đất nông nghiệp ngày càng bạc màu, cho năng suất kém, thời giá thấp và bấp bênh. Đô Thị hoá ngày càng thu hẹp đất nông nghiệp. Và như thế, Châu Sơn đang ở trong thế bế tắc: Nghề nông không có lối ra, Nghề tiểu thủ công nghiệp thì không có năng lực chuyên môn.

      Đứng trước thế bế tắc, mỗi người Châu Sơn phải tự biết định hướng cho riêng mình, và phải biết tận dụng cơ hội và khả năng sẵn có của mình. Tuy nhiên, người Châu Sơn cũng có những lợi thế riêng: có nhiều đất rẫy vườn ở vùng ven Đô Thị đang dần trở thành vùng phát triển khu dân cư Đô Thị với cơn sốt giá đất đến chóng mặt. Ngày nay bất động sản rẫy vườn của người Châu Sơn lên đến bạc tỷ là chuyện bình thường. Và lợi thế ở vùng ven Đô thị đã mở ra những dịch vụ kinh doanh: Nghề trồng hoa cảnh, xe du lịch, xe cát đá, xe tải, nghề môi giới mua bán đất, nghề điện cơ, dịch vụ đám cưới, may mặc, in ấn thiệp, vật liệu xây dựng…Nếu biết nắm bắt thời cơ sẽ có rất nhiều triển vọng phát triển cho tương lai.

  • TỔNG KẾT VỀ NGƯỜI CHÂU SƠN

      50 theo dòng chảy thời gian, Người Châu Sơn đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời cuộc. Nay thử nhìn lại, Người Châu Sơn được, mất, hay còn tồn tại những gì còn bất cập ?

  • KHÁCH QUAN: Nhận xét về người Châu Sơn, có lẽ chẳng có điều gì nổi cộm đáng phải xét lại và sửa sai.Trái lại còn đáng tự hào: Người Châu Sơn vẫn còn giữ được bản sắc văn hoá làng quê Nghệ Tĩnh trước những sự đổi mới đầy phong ba bão táp, làm sụp đổ nhiều mảnh văn hoá truyền thống và đạo lý con người.

  • CHỦ QUAN: Bảo Thủ, Tự Mãn, Sĩ Diện là những thuộc tính của con người Châu Sơn, mà phải chăng nhờ đó người Châu Sơn vẫn giữ được bản sắc riêng mình?

  • TƯƠNG QUAN XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI: Phải chăng, đó là những nhược điểm không đáng có? Bởi:

          Bảo Thủ: Tự bịt mặt trước những diễn biến thay đổi ồ ạt của thời đại và xã hội. Vô hình chung chúng ta tự cô lập mình thành ốc đảo.

         Tự Mãn: Tự bằng lòng và mãn nguyện với cái khiêm tốn mình có – chưa đáng là bao so với mặt bằng xã hội, đánh mất cơ hội tìm tòi, học hỏi và cầu tiến của bản thân trước cuộc sống hiện đại đang ngày một tiến bộ.

           Sĩ diện: chiếc mặt nạ làm cho bản thân không nhận ra chính mình đang ở vị thế nào trong cuộc sống. Không dám nhận chân sự thật về vị trí và địa vị của mình thì không thể tiến lên được, vì không biết mình đang lạc hậu. Điều đó làm trì trệ và lạc điệu cho sự hội nhập của một xã hội đang đi lên trong hiện đại hoá đất nước. Điều đó cũng làm tụt hậu và cản trở bước tiến của người Châu Sơn.

           Đó là những trăn trở cấp bách cho những sự lựa chọn tương lai. Làm sao trở nên con người Đô Thị, mà không đánh mất bản sắc Nghệ Tĩnh giàu tính Nhân văn, Hữu tình và Tự chủ. Đó cũng là những thách thức lớn lao cho con người Châu Sơn trước những dòng chảy cuồng lưu thời đại.

          Mỗi Người Châu Sơn phải tự suy nghĩ và trăn trở, để tìm cho mình một lối sống thích nghi với hoàn cảnh sống, nếu không chỉ là những kẻ mơ màng sống giữa thế kỷ ánh sáng.

  • TÍNH CÁCH VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI CHÂU SƠN

HIỀN HÒA – HỮU TÌNH – SĨ DIỆN – BẢO THỦ – TỰ MÃN

***

           Khép lại 50 năm NGƯỜI CHÂU SƠN…

       “Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn ai đã cho tôi cuộc sống này….”(cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

        Xin cảm tạ hồng ân THIÊN CHÚA, đã tuôn tràn dạt dào trên con dân giáo xứ 50 năm ÂN SỦNG và BÌNH AN.

        Xin tạ ơn MẸ MARIA đã luôn CHỞ CHE  và NÂNG ĐỠ cho giáo xứ Châu Sơn qua bao thăng trầm dâu bể “lúc vượt biển thế gian”.

        Xin cám ơn một miền đất nhân sinh đã cưu mang và dưỡng nuôi con dân giáo xứ Châu Sơn bằng những lương thực do miền đất sinh hoa kết trái qua bao mùa mưa nắng…

        Xin cám ơn tiền nhân – thế hệ cha ông, đã khai phá ra miền đất nhân sinh này, để cho cây đời xanh mãi màu tương lai.

        Nhưng cũng xin cúi đầu tạ lỗi với quý tiền nhân,  vì thế hệ con cháu chưa đáp đền cân xứng được những hoài bão và ước mơ mà các ngài hằng mong muốn.

       Xin cầu cho những người con dân giáo xứ thân yêu đã nằm xuống trên mảnh đất thân thương nghĩa tình này, được an nghỉ muôn đời. Và xin Chúa giàu lòng xót thương dẫn đưa họ về cõi trường sinh.

  • 50 năm đủ để mảnh đất Châu Sơn biến thành tâm hồn!

  • Một miền đất nhân sinh, 50 năm ấy biết bao là tình!!!

Nguyễn Vĩnh Căn

 

 

 

 

Check Also

HÌNH ẢNH: Diện mạo của một miền quê Cầu Khóng – dọc bờ đê lên GX Nghĩa Yên

Ai người quê Cầu Khóng, mươi lăm năm nay chưa về quê nhà, tưởng nên …