LÀM GIÁO LÝ VIÊN KHÓ ĐẤY.
tienducchauson
02/03/2015
Diễn Đàn Bạn Đọc
439 Views
LÀM GIÁO LÝ VIÊN KHÓ ĐẤY.
Trong một Giáo Xứ, Giáo Lý Viên (GLV) có lẽ là những người giúp cha Quản Xứ một cách có hiệu quả nhất. Bởi họ đã đứng ra, thay các linh mục, dạy dỗ tín giáo lý cho các tầng lớp trong giáo xứ, nhất là cho giới trẻ là những mầm non tương lai của Giáo Xứ. Họ là thành phần ưu tú : có trình độ, có tâm huyết. Khi đề cập đến họ người ta thường dùng từ ngữ : Lực lượng. Chẳng thế mà khi hỏi thăm nhau về số người tham gia giảng dạy giáo lý người ta thường hỏi: Lực lượng GLV xứ bạn có đông, có giỏi, có nhiệt tình không? Hay Lực lượng GLV đã được đào tạo như thế nào? Như vậy, ta thấy đây là một số đông, một thành phần được trân trọng và được tổ chức có quy củ, có bài bản hẳn hoi chứ không phải xô bồ.
Như thế, xem ra để trở thành một GLV thật khó. Bởi vậy, mới có tựa đề của bài viết này là LÀM GIÁO LÝ VIÊN KHÓ ĐẤY. Ở đây, dùng chữ khó đấy không phải theo kiểu nói “khó đấy” xuyên tạc của dân ta trong câu thơ: “ Làm anh khó đấy, đâu phải chuyện đùa” đâu nhé! Mà là muôn vàn khó khăn đang chờ đón nơi một GLV. Và để biết nó khó như thế nào ta hãy theo dõi hành trình trở thành một GLV phải vượt qua những chặng đường như thế nào?
Muốn trở thành một GLV, tiên vàn, phải là người có tâm, có thiện chí và có trình độ nữa. Thế nhưng có đầy đủ những thứ đó rồi cũng chưa chắc đã có thể trở thành GLV nếu không có lời mời từ cha Quản Xứ, từ ông Trưởng ban Huấn giáo hoặc được các Giáo họ giới thiệu. Mà để hợp nhãn các vị đó thì mình phải tỏ lộ tư cách, cũng như khả năng về nhiều mặt. Và những khả năng đó là biết hòa đồng và thích nghi với công việc cũng như có khiếu về truyền thông tư tưởng.
Đó là những điều kiện tiên quyết trước khi nhập cuộc. Và khi đã gia nhập vào hàng ngũ GLV mới thấy khó khăn ngày càng chồng chất. Bởi vì, đây là việc làm có tính thiện nguyện nên phải mầy mò với đủ mọi thứ chuyện. Nào là mầy mò với giáo án mình tự biên tự diễn chứ không qua một khóa huấn luyện nào cả (đôi khi Ban Huấn giáo cũng có cung cấp thụ bản nhưng rất hạn chế). Nào là mầy mò tìm kiếm cách truyền thông tư tưởng làm sao cho có hiệu quả nhất. Nhiều anh chị mới ban đầu còn bỡ ngỡ phải tìm hiểu qua những bậc đàn anh, đàn chị để học hỏi để rút kinh nghiệm. Anh chị nào có máu tự ái vặt, tự cho mình có đủ tài cán, thì cứ coi như là bể hơi tai. Tuy trong quá trình dạy dỗ, thỉnh thoảng các linh mục Quản Xứ cũng có bồi dưỡng thêm cho ít nhiều nhưng chẳng đáng là bao. Vả lại, đó chỉ là những khóa cấp tốc theo kiểu “nóng tay, bắt tai” mà thôi.
Vấn đề giảng dạy cũng thật là thiên nan, vạn nan. Phần đa anh chị em đâu có qua trường lớp mô phạm, họ có biết mô tê chi đâu, nên họ phải hết sức cố gắng và tế nhị, đôi khi rất lúng túng trong các cách xử lý, không biết phải làm sao cho vẹn toàn. Trong khi các học viên lại là những thanh niên tuổi mới lớn, cái tuổi bướng bỉnh và thích quậy phá, không khi nào chịu bó buộc vào một khuôn khổ nhất định. Đã thế, trình độ rất chênh lệch, có em chỉ học chưa hết cấp một nhưng có em đã là sinh viên. Bởi thế, không khí trong giờ học rất hỗn độn. Đôi khi, GLV dạy cứ dạy và các học viên nói chuyện vẫn cứ nói chuyện. Nếu có dùng một vài biện pháp kỷ luật nhẹ để lấy lại trật tự thì gặp phản ứng bênh con của phụ huynh. Có những trường hợp cha mẹ đến nhà chỉ mặt mắng te tua : “Mày với tao là bạn, sao mày đì con tao dữ vậy. Mày coi chừng tao nghe chưa?”. Những lúc như vậy chỉ biết im lặng cắn răng chịu đựng. Vâng, chứ biết làm sao bây giờ? Vô lẽ cũng sửng cồ đốp chát lại hay sao? Thật đúng là cảnh làm dâu trăm họ khó khăn biết chừng nào?
Cho nên trong việc GIÁO DỤC hay DẠY DỖ, các GLV phải thực hiện phần đuôi nhiều hơn phần đầu. Có nghĩa là họ GIÁO hay DẠY thì ít mà DỤC và DỖ phải nhiều hơn. Chẳng hạn như “thổ” nhè nhẹ làm sao để các em cảm thấy thích giờ giáo lý, hay sau giờ giáo lý làm sao để các em chịu khó tham dự thánh lễ, kẻo không lại kéo nhau đi chơi games, đi hát Karaoke hay thậm chí là đi nhậu. Mà chúng kéo nhau đi như thế thì chỉ còn biết nhìn theo lắc đầu ngao ngán chứ biết làm sao bây chừ?
Quả thật, cái nghiệp này (chứ không phải là nghề đâu nhe, vì nghề thì phải có lương thưởng) là nghiệp “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nên đôi khi thật là cay đắng và tủi thân. Họ chưa bao giờ được các phụ huynh bày tỏ lòng tri ân một cách công khai. Chỉ đến ngày lễ Bổn mạng thì lại phải tuyên thệ và thề hứa trước mặt Chúa sẽ cố gắng làm tròn bổn phận việc làm mình đang theo đuổi mà thôi.
Khi các GLV phàn nàn vì sự xuống cấp, sự trì trệ của các em và yêu cầu có sự tiếp tay can thiệp của các Cha Quản Xứ, của HĐGX hay các thành phần trong Giáo Xứ thì, năm thì mười họa Giáo Xứ mới tổ chức một cuộc Hội Thảo. Và trong các cuộc Hội Thảo như thế cũng có nhiều ý kiến đóng góp để khắc phục tình trạng nhưng cuối cùng vẫn đâu vào đấy, những kẻ chống nạng vẫn là những GLV.
Trước những khó khăn đó, với thiện chí và lòng nhiệt thành, rồi họ cũng cố gắng vượt qua, nhưng ngán ngẩm, khó khăn nhất là phải chịu trách nhiệm về đạo đức của cả một thế hệ thanh niên. Làm sao họ có thể gánh vác, trên đôi vai nhỏ bé của mình, trách nhiệm hành động phạm tội của một vài “tội đồ” được nhỉ? Cha mẹ của chúng mà còn bó tay thì huống gì là các anh chị GLV. Vậy mà sau sự cố mùa Chầu Lượt năm nào, búa rìu dư luận đã đặt vấn đề và đổ trách nhiệm tất tần tật lên đầu các GLV. Đã có những lời không một chút cảm thông. Đã có những cú điện thoại ở xa về mắng vốn : “Các anh dạy dỗ kiểu gì mà để nên nông nỗi như thế?”.
Ôi! Biết làm sao đây hả trời!!! Quýt làm, cam phải chịu hay sao đây???
Bây giờ thì quả thật “LÀM GIÁO LÝ VIÊN KHÓ ĐẤY” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng rồi đó.
NVT