ĐỒI TƯỢNG HAY NÚI CHÚA?

 Tản mạn

                 ĐỒI TƯỢNG HAY NÚI CHÚA?

Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày lễ Chúa KITÔ – VUA VŨ TRỤ, vào Chúa nhật cuối cùng mùa thường niên, Giáo Xứ Châu Sơn lại tổ chức cử hành Thánh lễ trên núi, nơi tọa lạc Tượng Đài Chúa Kitô, vào lúc 10 giờ.

A0

Đây là dịp để Giáo dân trong xứ chính thức hành hương thăm viếng và thờ kính Chúa đồng thời được coi như lễ hội hằng năm của Giáo Xứ nên trong chương trình đầu năm thông báo với chính quyền bao giờ cũng được đặt lên vị trí hàng đầu. Chính vì thế, Giáo Xứ đã đặc biệt giao cho Đoàn Tráng Niên là một Đoàn thể cốt cán phụ trách và tôn tạo. Cho nên mọi Giáo dân đều rất phấn khởi và hăng hái tham dự để thỏa lòng mong ước. Người ta lên núi để tỏ lòng tôn kính Chúa chí tôn. Người ta cũng lên núi để cầu nguyện xin ơn trên ban xuống sự bình an đoàn kết trong gia đình cũng như trong xứ sở.

A27

Trước giờ thánh lễ cử hành, mọi người (kể cả khách phương xa) chen chúc nhau đi nườm nượp như trẩy hội. Ai ai cũng nô nức. Ai ai cũng phấn khởi. Ai ai cũng chỉnh tề với bộ cánh đẹp nhất cũng như chuẩn bị lòng sùng kính mến Chúa một cách tốt nhất.

A10Người thì cầm hương, kẻ lại cầm hoa. Có kẻ tay bồng, tay bế con  cái. Vậy mà tất cả đều tươi như hoa, nói cười vui vẻ, cho dù đường  lên núi ngoằn ngoèo và dốc đứng. Nhất là đám trai thanh gái lịch, họ xem đây là dịp để “Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân” và cũng là cơ hội xin Chúa soi sáng cho mình tìm thấy “người trong mộng” và để “cho con lấy được người con yêu”. Cảnh nhộn nhịp thật là đẹp mắt. Đứng xa xa, trông như một dòng sông đầy màu sắc chảy ngược lên đỉnh. Ôi ! Thật là hùng vĩ! Thật là hoành tráng!

 A15

             Hùng vĩ và hoành tráng như vậy thì thử hỏi ta nên gọi là NÚI CHÚA hay ĐỒI TƯỢNG nhỉ? Vâng, hỏi như vậy là ta đã tự trả lời rồi đó. Bởi chỉ nhìn tầm vóc ngọn núi Cư Ebur với cao độ 559m so với mặt biển ta đã có thể nâng nó thành ngọn núi cao nhất vùng. Và nếu có ai đó, vào một chiều hoàng hôn nào đó, đứng trên đỉnh cao nhìn xuống, ắt sẽ cảm khái mà đọc lại bài thơ của bà Huyện Thanh Quan; “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà. Cỏ cây chen lá…” để so sánh sẽ thấy cảnh vật ở đây cũng không khác là bao mà có lẽ còn hữu tình hơn vì từ đây quan sát được toàn cảnh Thành Phố Ban Mê Thuột.

A13Thế mà không hiểu tại sao nhiều người cứ quen miệng gọi là ĐỒI TƯỢNG. Quả thật, ngày xưa các bậc cha anh chúng ta sống giản dị đơn sơ không khát khao tham vọng nổi danh nên gọi sao cũng được. Xưa, Đức Cha Giu Se Trịnh Chính Trực, ngày ấy còn là Cha Quản Xứ Châu Sơn, người chủ xướng đặt tượng, ngài cũng chỉ coi trọng mục đích chứ không mấy để ý đến danh xưng.

             Thực ra, ĐỒI được định nghĩa là một địa hình lồi, sườn thoai thoải cao khoảng dăm bảy chục mét thế thì làm sao so sánh với NÚI. Vậy thì chúng ta hãy nhân cơ hội ngày Lễ Chúa KITÔ – VUA VŨ TRỤ này mà tự hào hãnh diện gọi là NÚI CHÚA. NÚI CHÚA CHÂU SƠN, vì Chúa luôn luôn dang tay mời gọi và ngự trị trên đỉnh ngọn, bảo bọc, che chở và ban muôn ơn lành cho các tín hữu trong mấy chục năm nay. Không phải là chúng ta sĩ diện hão đâu nhé. Mà hãy gọi cho đúng bản chất như nó vốn có.

Của Cesar hãy trả cho Cesar. Thế thôi. Bởi, nếu đem so sánh với các nơi khác NÚI CHÚA chúng ta cũng chẳng thua kém lẹm cằm cùng ai đâu. Một núi Tao Phùng ư? Hay một núi Đức Mẹ Giang Sơn? Hay một núi TAPAO ư? Nếu kể về mức độ hùng vĩ: Một đèo, một đèo, lại một đèo… thì các nơi ấy còn kém xa. Chỉ có điều các nơi ấy may mắn hơn vì được ủng hộ từ nhiều chiều nên đã có những công trình xây cất hoành tráng có thể so sánh với thế giới.

             Còn tại Châu Sơn, chẳng những đã không được cho phép mà còn bị “ngăn sông cấm chợ” một cách triệt để. Điều này là có thật 100% và tôi xin chứng minh bằng một đoạn trích trong bài: NÚI CHÚA, biểu tượng của Đức Tin kiên vững của tác giả JB LAM như sau: “Nhớ lại dịp lễ Kitô Vua năm 2006, giáo xứ bị cấm cách không được phép dâng lễ trên Núi Chúa. Lý do người ta đưa ra thật là trời ơi: trường bắn phía sau chân núi đang ở trong giai đoạn tập bắn nên sợ nguy hiểm đến tính mạng người dân. Rồi máy bay trực thăng vần vũ trên bầu trời Châu Sơn suốt mấy ngày. Các đơn vị Tỉnh Đội lập chốt trên núi. Dựng hàng rào thép gai và chướng ngại vật ngăn xe và người…..Nghĩa là người ta làm tất cả những gì có thể đè bẹp ý chí và khát vọng của người dân Châu Sơn …”.

A31

Còn rất nhiều, rất nhiều những cấm cản khác nữa mà không thể kể trong cùng một lúc cho hết được… Chẳng hạn như vào dịp Lễ KITÔ VUA năm ngoái để tỏ lòng kính yêu Chúa, những người đạo đức đã thực hiện 15 chặng  đường Thánh Giá (14+ 1 phục sinh) dựng quanh tượng đài Chúa. Thế mà gần đến ngày lễ chính quyền đã cho người lên triệt hạ (cho dẫu chỉ dựng trong khu vực được phép) lại còn đưa về trả Tòa Giám Mục xem như một sự dằn mặt cảnh cáo tội quy về trưởng.

A2

Quả thực, tôi không hiểu nổi tại sao những người cai trị địa phương này lại “đì” Châu Sơn và ghét Chúa chúng ta như thế nhỉ? Xét cho cùng, ngoài những Danh Lam thắng cảnh do Thiên Chúa tạo nên thì những Kỳ Quan nổi tiếng trên thế giới này đa phần đều do bàn tay Tôn Giáo thực hiện. Người ta cố tình không hiểu hay tại người ta ở hơi xa nhà văn hóa nhỉ? Thôi thì đá dằn trên cỏ nên ta cứ phải ẩn nhẫn chịu đựng vậy. Hẹn một ngày trời quang, mây tạnh. Lúc đó, NÚI CHÚA CHÂU SƠN sẽ xứng đáng là NÚI vậy.

                                             TRỌNG THI  Mùa Kitô Vua 2015.

 

 

 

 

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …