Đặc sủng Thánh lễ “online ship miễn phí” về tận nhà!!!

Đọc bài viết “Cảm xúc của những ngày vắng thánh lễ” của tác giả NVK, tôi thấy tác giả đã quan tâm đến 3 thành phần giáo dân: Giới trẻ, Trung niên, Người già. Trong đó tác giả đã phân tích tâm trạng và sinh hoạt của 3 giới khác nhau trong mùa dịch bệnh Covid này.

Giới trẻ: Một số lớn giới trẻ tỏ ra bình thường, không lấy việc không có thánh lễ làm tiếc nuối. Có thánh lễ thì càng tốt, mà không có thánh lễ cũng không sao!!

Giới Trung niên: đứng tuổi thì cảm thấy thiếu thánh lễ là một sự trống vắng…cần phải được bù đắp lại kinh nguyện hằng ngày…

Giới người già: thiếu vắng thánh lễ thì cảm thấy cuộc sống hụt hửng, giống như dòng nước đang chảy mà bị tắc bí ngưng đọng lại thì cảm thấy bức bối khó chịu.

Nếu thực sự tâm trạng của mỗi giới đúng như tác giả phản ánh như trên thì, Giới người già là tương đối an toàn. Còn giới Trung niên thì tạm ổn. Nhưng xem ra, Giới trẻ là đáng quan ngại hơn cả. Nếu như tình trạng dịch Covid diễn biến nguy kịch lâu dài, tháng này qua tháng khác và thậm chí năm nay qua năm khác thì, không biết đời sống đức tin của giới trẻ sẽ ra sao đây??? Bởi cây đức tin cũng giống như cây trồng, nếu để khô hạn không tưới tắm và không chăm bón, ắt hẳn cây trồng sẽ khô héo và chết chắc!

Giới trẻ ngày nay sống thực dụng và thích hưởng thụ hơn là nghe những giáo điều tôn giáo về sự sống đời sau, nghe có vẻ viễn vông xa vời. Đây là một thực tại nguy hại về đức tin cho thế hệ trẻ. Liệu cây trồng đức tin có thể sống được trong sự hời hợt đạo đức, xa rời kinh nguyện và thánh lễ trong thời buổi đại dịch này chăng??

Tác giả bài viết cũng đề cao giá trị của thánh lễ online: “Và giờ đây, may mắn thay, thánh lễ online đã mở ra cho mọi người giáo dân chúng ta đến với Chúa mọi ngày, cũng thật là điều diệu kỳ mà giáo hội đã ban tặng. Vậy mỗi người giáo dân chúng ta cũng nên tận dụng cơ hội để đến với Chúa qua Thánh lễ online, là máng thông ơn đến với mọi người mỗi ngày”.

Để làm sáng tỏ về thánh lễ online, tôi đã tư vấn một linh mục đồng hương Châu Sơn – Thomas Aquino Trần Duy Linh.

Được hỏi: Thưa cha, thánh lễ online có giá trị như một thánh lễ thường ngày không?

– Thánh lễ online đã được giáo hội công nhận có giá trị như một thánh lễ thường ngày, nhưng nên nhớ, giá trị thánh lễ online chỉ được công nhận trong thời kỳ bệnh dịch Covid mà thôi.

Vậy ngày Chủ nhật và các nghi thức Tuần Thánh và kể cả Thánh lễ Phục sinh đều có thánh lễ online, những ai không tham dự, có bị xem là có tội không?

– Trong thời gian bệnh dịch hoành hành cả thế giới, để tránh lây lan dịch bệnh, Giáo hội đã cho phép giáo dân không phải tham dự thánh lễ trong thời gian dịch bệnh, nên giáo dân không tham dự thánh lễ ngày Chủ nhật và Phục sinh…đều không mắc tội theo giáo luật. Nhưng giáo hội mời gọi mọi người tham gia thánh lễ online để được ân sủng và bình an trong mỗi thánh lễ.

Là người giáo dân, chúng ta phải cảm thấy vui sướng khi được giáo hội tạo điều kiện để: Thánh lễ “ship online miễn phí” về mỗi nhà!!! Có lẽ, trong lịch sử giáo hội, giáo dân chúng ta chưa bao giờ được đặc cách trao ban ân sủng ở ngay tại nhà mỗi gia đình mà không mất công, cũng như không tốn tiền mua. Vậy thì dại gì mà giáo dân chúng ta không hân hoan đón nhận kia chứ!?? Chúng ta cũng hãy nên nhớ, Chúa GiêSu đã từng cảnh báo: “Lời lãi cả thế gian mà để mất linh hồn thì nào được ích gì”.

 

Với tôi, qua hơn một tuần xem thánh lễ online, có thể không bằng thánh lễ tại nhà thờ hiện thực hơn, mang tính cộng đồng hơn. Tuy nhiên thánh lễ online vẫn có những ưu điểm: Cả gia đình có thể tập trung xem lễ mà không phải mất công đi đến nhà thờ. Trong khi thánh lễ nhà thờ ngày thường chỉ được một vài thành viên trong gia đình tham dự mà thôi. Thánh lễ ở trong gia đình ấm cúng và sốt sắng hơn, vì ít lo nghĩ ra ngoài như khi ở nhà thờ có cộng đồng giáo dân. Các bài đọc Thánh thư, Phúc âm và bài giảng chia sẻ lời Chúa nghe rõ nội dung hơn trong nhà thờ, thường bị tiếng ồm cộng hưởng của nhà thờ nên nghe không rõ bằng loa TV.

Chúng ta nên biết rằng: Thánh lễ online là một đặc sủng trong thời dịch bệnh này, để mọi người cầu nguyện cho nhân loại sớm thoát khỏi đại dịch này…

Thiên Lương

 

Check Also

Đôi điều nghị sự quanh việc bầu BTV/ HĐGX Nhiệm kỳ: 2024 – 2028

Đến hẹn lại lên. Cứ 4 năm, việc bầu BTT/HĐGX lại được tổ chức theo …