Tản mạn sau một chuyến đi… Phần I

Nhân duyên là chuyện của ông tơ bà nguyệt se duyên…

Ngày xưa, người ta nói: làm thân con gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu. Xem ra bây giờ con trai hỏi vợ cũng lận đận và nhiêu khê lắm, khi mà tỷ suất của con trai ngày càng gia tăng hơn con gái (107 trai cho 100 gái). Và việc đánh bắt xa bờ không còn riêng con gái nữa rồi.

Cũng vì thế mà tôi có dịp được vào Sài Gòn dự tiệc cưới…

Dự tiệc cưới ở Sài Gòn với nhà hàng xa hoa lỗng lẫy, có các dịch vụ đưa đón, có những món ăn hảo vị, có bia chảy tràn ly, có người phục vụ đến môi miệng…có con gái xinh như mộng nhảy nhót các vũ điệu, có những sân khấu đèn led rực rỡ chiếu rọi trông như thiên đàng…Những hào nhoáng này đối với tôi cũng chẳng lấy chi làm lạ lẫm. Điều làm tôi quan tâm là những xa hoa phù phiếm trên, nó chảy vào cái túi tiền của khách mời, làm cho khách mời phải nặng nề hơn, nhọc nhằn hơn, và phải chắt lót hơn trong cuộc sống….

Khi được hỏi công nhân viên và sinh viên: Trong cuộc sống, điều gì làm các anh chị lo lắng nhất? Hầu như ai cũng trả lời: Đám đình tiệc cưới, sinh nhật, thôi nôi…là nỗi ám ảnh nhất đối với đời sống công nhân viên và sinh viên. Tháng nào nhận vài ba cái thiệp mời là thấy méo mặt với những khó khăn thiếu thốn chồng chất lên rồi.

Nếu so sánh tiệc cưới, thì nông thôn nhẹ nhàng hơn. Một mâm bàn đặt cho dịch vụ gia chánh trong làng, khoảng 1.3 triệu cộng với 200 K một thùng bia nữa, tổng chi phí chỉ khoảng 1.5 triệu đồng. Khách mời đi mừng chủ hôn 200 K mà thôi. Nếu ở TP Ban Mê thì khách mời đi mừng là 300 K. Xem ra, hợp với mức thu nhập của người nông dân. Trong khi ở Sài Gòn dịch vụ nhà hàng một khẩu phẩn giá bèo là 400 K, hoặc có khi cả 1.000 K, khách mời đi mừng mèng lắm cũng phải 500 K, còn bạn bè thân thiết là cả triệu ấy chứ! Mời mà không đi thì khó coi, mà đi thì coi khó đó nghe!!! Rõ ràng đây là nợ đồng lần, nay anh mai tôi.

Xem ra, 500 K cho một khách mời ở chốn “Hòn ngọc viễn đông” cũng chẳng có chi là quá đáng và ghê gớm cả. Chỉ tội nghiệp cho giới công nhân viên và sinh viên, nhà ở trọ, cơm hàng cháo chợ, lương ba đồng ba cọc, có thiệp mời nào là “xâm thực” vào cái túi tiền ít ỏi; kể ra cũng “đau lòng con quốc quốc”.

Vì là đám cưới của một đời người, nên mọi sự chuẩn bị thật chu đáo, thật hoành tráng, thật sang trọng…nếu có thể được. Đó là về vật chất, còn về tinh thần thì sao? Đôi bạn có chuẩn bị cho mình hành trang vào đời chu đáo chưa? Đôi bạn có thực sự yêu nhau không? Có thời gian để tìm hiểu nhau không? Có được sự cảm thông cho nhau không? Hay chỉ yêu cái hào nhoáng bên ngoài phủ lấp cái tôi vị kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi bên trong…

Tôi viết những điều này, vì thấy tình yêu thời @ chợt mưa chợt nắng, chợt đến chợt đi một cách quá dễ dàng. Sợi dây hôn nhân không còn bền chặt và ràng buộc như hồi xưa nữa. Thích thì ở, không thích là chia tay. Một đám cưới hoành tráng, hân hoan, được mọi người chúc tụng như thế, vậy mà chỉ sau vài năm, thậm chí vài tháng là chia tay nhau, tưởng có oan uổng cho một cuộc nhân duyên đời mình chăng???

Nguyễn Vĩnh Căn

Đón đọc: Tản mạn sau một chuyến đi…

Phần II

  • Sài gòn vẫn có một góc trời đáng sống!

Check Also

10 năm, Nhìn Lại Con Đường Vành Đai… Phần I

Ngày nay, Đường Vành Đai được thiết kế lưu thông rộng rãi và tiện lợi …