CHÂU SƠN XƯA VÀ NAY – PHẦN III: CUỘC SỐNG…VÀ NGƯỜI XƯA

 CHÂU SƠN XƯA VÀ NAY  

PHẦN III: CUỘC SỐNG VÀ NGƯỜI XƯA…

        Đất có lề, quê có thói. Trang phục ăn mặc của người dân quê ta cũng thay đổi cho kịp với dòng chảy thời đại. Những áo quần: vải sòng thô, Pôlin, Mỹ A, Satanh, Đăcrông, Nifan, Tetơron…bạc mầu thời gian đã đuợc thay thế bởi nhiều loại vải tơ lụa, Nylông tổng hợp mịn màng, làng bóng, và kể cả quần bò, áo pull đủ mầu sặc sỡ.

quan-rinquan-pat-nu

Những mốt quần túm chật ních, quần Pat rộng thùng thình, quần hớt ống cao và đáy trệ cũng thay ngôi đổi chủ luân hồi. Áo dài xưa cổ cao, hay  khoe ngực của bà Nhu, áo dài Việt kiều – áo quần cùng màu, áo dài Raglan….

a0a2

ao-dai-truyen-thongao-dai-dap-lan

ao-dai-ng-mau

Thôi thì cao lên ngắn xuống đủ kiểu luân phiên thay đổi.

ao-dai

 

Ngày nay các phụ huynh, thanh niên đi lễ không còn mặc áo dài the thâm như hồi mới đi cư vào Nam nữa. Các bà, ngày càng ít dùng khăn quàng hơn.

trau-cau5Và tục ăn trầu cau, phía các ông hầu như chẳng còn, các bà cũng thưa thớt người ăn dần. Đặc biệt là các cô gái chẳng ai tập ăn cho sạch miệng và ửng màu má hồng duyên dáng.

Tục ăn trầu ngày nay, chỉ còn dùng trong lễ nghi Đám cưới hỏi nữa mà thôi.

thuoc-lao

Thói quen hút thuốc lào cũng đang bị mai một dần và thuốc lá cũng chỉ còn ít những người trung niên và cao tuổi chưa cai nghiện được. Còn Thanh Niên cũng khá ý thức được tác hại của thuốc lá nên chỉ thưa thớt người hút.

        Và trên hết tất cả là tình làng nghĩa xóm vẫn còn nguyên vẹn như thửa nào, mặc dầu đã trải qua mùa chinh chiến bao dâu bể và dẫu cho trong cuộc sống có va chạm, chung đụng, xích mích, bất hoà, là lẽ thường tình của cuộc sống. Nhưng rồi nhờ những sinh hoat của các Cộng Đoàn đã nối kết lại tình làng nghĩa xóm trong niềm hiệp thông Đức Ki Tô, làm ấm lại nghĩa tình cao quý ấy. Tuy nhiên, cuộc sống kinh tế ngày nay được nâng cấp lên với bao tiện nghi đầy đủ, cũng là lý do làm bớt đi lại nhà nhau để mượn cái này, nhờ cái kia, thì ấm nước mới chè xenh sáng tối, đã đem lại sự thân ái, đoàn kết, thấm đậm tình làng nghĩa xóm với nhau hơn.

Trong Quan, Hôn, Tang, Tế, Quan không mấy được quan tâm.

Hôn nhân cũng được cải cách rất nhiều. Ngày nay không còn tục tảo hôn, và ít bị áp đặt: Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.

dam-ngo-2

Lễ dạm ngõ – tấp ngõ, đính hôn – đơn giản hơn với một giỏ trầu cau, rượu thịt đi nộp tài – tiền cưới xin, may mặc cho cô dâu. Tục dựng rạp hôn trường tiệc cưới với bà con đến giúp đáp ăn uống rênh rang đang dần biến mất nhường chổ cho dịch vụ thuê mướn tư nhân, gọn nhẹ và thuận tiện, nhưng cũng làm cho không khí đám tiệc bớt vui hơn.

anh-do-do-tiecj-cuoi-2

Mâm bàn ngày xưa, ngồi 4 sang ngồi 6 và dọn thức ăn trong bát đĩa nhỏ; hiện nay là ngồi 10 người, rất tiện cho việc dọn các món ăn hảo vị với các đĩa bát lớn. Tục tiệc cưới uống rươu ngày xưa đã được thay thế bằng bia và có giàn nhạc cho thanh niên nam nữ ca hát trổ tài khoe giọng, nhưng cũng tra tấn thực khách đến đau đầu long óc. Nhưng cũng đừng vì những vị khách lạ ở ngoài GX mà đánh mất nghi thức làm dấu trước khi dùng tiệc.

nac-dam-cuoi

Tang chế, người chết thường được quàn trong nhà 24 giờ. Việc chôn cất, tẩm liệm đều do các họ Hiếu đảm trách nhưng xe tang là của Giáo xứ; ngày xưa là của các họ Hiếu với cờ đòng. Phúng điếu ngày xưa chỉ 5-10 ngàn đồng, bây giờ 30-50 ngàn đồng…

xe-tangkim-tinhhom

doc-kinh-1phung-dieucha-lam-phepdt-11dt-17dt-19

Các phần mộ được quy hoạch thẳng lối, và các Kim tĩnh đều được xây trước. Mỗi Kim tĩnh có cổ phần 600 ngàn đồng VN. Tục khóc thương người chết cũng bị hạn chế ở nơi có cộng đoàn tham dự lễ tang. Tục ăn uống rềnh rang trong tang chế cũng đang dần hạn chế. Tục để tang được đơn giản hoá. Ngày xưa, để tang cha mẹ: khăn áo tang 2 năm, 3 tháng, 10 ngày, vừa là lễ giỗ mãn tang trong bùi ngùi thương nhớ.

Ngày nay, chỉ khăn áo tang đến tuần bảy và thay bằng phù hiệu tang đen hoặc trắng – riêng phái nữ thì dai dẳng hơn. Hai năm làm giỗ Đại tường trong tinh thần phấn khởi để bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ.

cung

Tế, ngày xưa là điều cấm kỵ với người Công giáo, ngày nay được lễ bái một cách rộng rãi và trang trọng, trong Thánh lễ cũng như bàn thờ Tổ tiên với nhang, hương trầm, và hoa quả để tỏ lòng thành kính với các Đấng bậc cao trọng.        

***

Đất còn đó, trời còn đây mà người thiên cổ đâu chăng tá?

Đâu rồi cụ lão râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, đi đâu cũng chống cây gậy chạm trổ rất đẹp là Cố Trùm Trần Chức, cũng là người khéo tay phác thảo đòn rồng – nhà tang đầu tiên.

tran-hien

Người cao lòng khòng với đôi lông mày rậm và cặp mắt sắc nét, là Cố Trần Hiển – một trong ba vị khởi xướng Hội tương trợ tống táng Thọ Ninh.

thanhRất lặng lẽ và cần mẫn của một ông từ coi sóc đóng mở cửa nhà thờ, thời bây giờ là cố Trần Thanh, nhưng cũng hay doạ nạt trẻ con phá nghịch. Cố là người xin tiền ống nhà thờ rất rất đắt. Đưa ống tiền qua bà nào ăn mặc đẹp mà không có tiền, cố nói: “Ăn mặc đẹp rứa mà không có tiền à!”. Lần sau, đố dám không bỏ tiền vào ống.

cuu-le“Búi tó củ hành là anh thiên hạ” là cố Cửu lễ (Lưu Lễ), đêm ngày cối đâm lọc cọc chế biến thuốc Nam rất đắt khách.

tran-nghiChỉ với một câu nói để đời rất linh ứng: “Có lẽ, đây là lần cuối TT Ngô Đình Diệm về đây” là Cố Trần Nghi ( cố Đông Long). Và mãi mãi TT Diệm chẳng bao giờ về lại Châu Sơn nữa, vì đã bị tử nạn trong cuộc chính biến năm 1963.

duc-ong

Đâu rồi, cố Đức Oong đầu làng, người thấp, hao gầy và có nước da ngăm đen, nói giọng Quỳnh Lưu. Cố là người tếu táo và vui tính lắm!!

duc-tinh

Cố Phạm Đình Đức (Tình) nhìn có vẻ nghiêm nghị, nhưng khi nói chuyện thì vui đáo để, hay trạng. Nhưng khi nói chuyện lý luận chặt chẽ lắm! Lớp mẫu giáo là đại học chữ to!!

khangCố Nguyễn Khang với tích chuyện: tại sao lại có chuyện đẻ sinh đôi? Vì trong lúc vợ chồng giao ban “đập muỗi cắn mà sinh đôi”. 

nguyen-tanDáng vóc to cao oai vệ, nhưng lại là một con người đại diện của thế hệ nho gia còn lại. Ông từng là nguyên chủ tịch HĐGX. Đó là cố Nguyễn Tân.

ng-duc-diem

Con người với dáng vóc khiêm tốn, tính tình hiền hoà, đã từng là nguyên chủ tịch HĐGX. Đó là cố Nguyễn Đức Điểm.

tr-dinh-hoa

Nhẹ nhàng và chẳng mất lòng ai trong tiếng cười xuề xoà, đã từng là chủ tịch HĐGX. Đó là cố Trần Đình Hoá (Tài).

huong-hoai-huong-manUng dung tự tại trong tuổi già, bày cuộc cờ vui Đế Thiên, Đế Thích là hai cố Hương Hoài và cố Hương Mân. Hai người bạn già tri kỷ. Đang đánh cờ, bỗng ông Hương Mân khoái chí hô to: “Chiếu, chiếu…”, không ngờ có người bán chiếu tưởng là gọi vào mua chiếu…Bé cái lầm!!!

a-chapMột Lương sư rất tâm huyết với nghề gõ đầu trẻ là thầy Lưu Vĩnh Chấp, với câu kinh kệ : “Jeu de main, jeu de vilain” (trò chơi tay, trò đáng ghét). Bất học diện tường. Nhân bất học bất tri lý…

a-thgogDáng người hao gầy, khắc khổ, nhưng có sức hoạt động không biết mệt mỏi cho cả đạo đời rất cần mẫn; đó là ông Cao Đình Thông (Ái). Từng một thời làm thầy giảng, phòng bộ cho Đức Cha Bắc (Địa phận Vinh), nhưng lại có năng lực đa đoan với nhiều chức danh xã hội, tôn giáo: Xã Trưởng, thôn trưởng, trưởng ban giáo họ, Họ hiếu Thọ Ninh…và dạy học vào những ngày đầu lập trại.

nguyen-tueMột người trong ban định cư, với mái tóc Ca rê tư đời, có tài ăn nói lưu loát. Là người Châu Sơn có vinh dự được bầu vào HĐND tỉnh Darlac trước 75, đó là ông Nguyễn Tuệ.

ng-van-quangCon người rắn rỏi, có nghị lực phi thường. Rất dũng cảm, khi ở tuổi gần 80 mà vẫn dám leo lên nóc gác chuông cũ. Từng là thành viên trong ban định cư. Đó là cố Nguyễn Văn Quảng.

ong-baoNhưng cũng không thể quên được nhà tiên tri không được sủng ái tại quê nhà, xuất thần viết một câu rất mạc khải: “Tôi đã thấy một cạnh trời lành thánh, nơi tinh đẩu quay cuồng và mầu nhiệm Thánh ra đời” là ông LêTrọng Bảo – người có câu chào hàng không bắt bẻ vào đâu đuợc : “ Bán máy lửa xài bền cho đến khi hư, mua dô! Mua dô!”.

Chúng ta không thể quên được một ông thầy giảng…Ngày lửa đạn năm 75, thầy đã cùng với cha Lê Hùng Tâm đổ máu trong chiến cuộc một cách oan nghiệt. Đó là thầy Nguyễn Văn Hoa (Luyên). Xin thắp một nén hương tri ân những đóng góp của thầy với GX.

ng-van-lanCon người hiền hoà tao nhã của một viên chức cần mẫn, mẫu mực. Đó là ông Nguyễn Văn Lan (Thiện).

kinhNhà ngôn ngữ học với những từ “Hèo đi cháu” “nghít kim” “mồm nậy” là những câu nói được truyền miệng một thời. Uống rượu gọi là nghít. Uống tì tì như một tay bợm gọi là nghít kim. Say sỉn quá chén thì gọi là ù mào. “hèo đi mẹ cháu” là từ ông hay nói, nên người ta thường gọi là ông Kính hèo (Trần Kính.)

tr-van-congGiọng đồng, hào sảng là ông Trần Văn Công (Hiển) với biết bao mùa xây dựng các công trình GX, như còn vang vọng đâu đây.

Một kỳ tửu với câu nói đầy cảm hứng của thi ca: “Đéo mẹ con gà trống, lẳng lặng mà nghe thơ Kiều”. Đó là ông Bùi Đình Dương (Kẻ Tùng).

hoang-the-minhTính người xuê xoà, dễ tính, với khuôn mặt luôn đỏ đắn hơi men, nhưng lại rất năng nổ và nhiệt tình cho công việc giáo xứ đêm ngày không tiếc công, là ông Hoàng Thế Minh (Yên). Từng là chủ tịch HĐGX.

khoaNhẹ nhàng sâu kín với những câu chuyện hài thâm thuý: “Đi mô thì thôi, chứ về nhà nhìn hai con dâu (làm), rành cứ muốn mần, là cố Nguyễn Khoa (Tâm).

Và dấu ấn sâu đậm nhất của một con người: mắt kèm nhèm đeo kiếng, khăn quàng cổ, áo vét cháo lòng, giọng lè nhè là ông Đồ Hoan. Chuyên đi bửa củi thuê. Mua vé xổ số kiến thiết. Ngày 75, trong gian nguy lửa đạn binh khói, ông đã cầu xin: “Giêsu, Maria, Giuse xin cứu lấy dân Châu Sơn với, không cứu lúc ni thì cứu lúc mô nữa”. Sau 75, ông lưu lạc về Bắc rồi qua đời trong sự lãng quên của mọi người.

Cất cao lời kinh nguyện nhà thờ mỗi chiều tối, sống độc thân phục vụ cộng đoàn con cái Đức Mẹ là O Trần Thị Hoè.

a-hiepMột con người to cao, dáng hơi lòng khòng, mày sắc, trán cao, mặt nghiêm, uy vệ ra vẻ một ông Xã trưởng hơn là một ông thầy giáo. Thế mà niên khoá 57-58 thầy dạy học sinh lớp Nhì rồi luỵên thi Tiểu học đậu gần hết. Đó là Thầy Nguyễn Đình Hiệp.

a-hoanMặc dầu chúng tôi không được học thầy, nhưng nghe các lớp đàn anh kể lại: Kiến thức phổ thông của thầy rộng, giảng dạy lưu loát, và con người toát lên sự phong nhã, tài hoa của một ông thầy giáo hơn là một thầy giảng giúp xứ. Đó thầy Nguyễn Thái Hoàn. Nhớ lời thầy dạy năm xưa: Là người có học, phải luôn giữ cái khí tiết thanh liêm của kẻ sĩ: “Đói cho sạch rách cho thơm”. “Giấy rách phải giữ lấy lề”…

Muốn có bữa cơm ngon cho các hội đoàn nhà xứ, phải nhờ đến đôi bàn tay bếp núc hảo vị của bà Trần Thị Hảo – một đời sống tận tuỵ với Đoàn Phụ Nữ.

Một người phụ nữ có cái dáng bồ tượng, làm ăn sọi sặng, buôn tần bán tảo lập nên cơ nghiệp, và còn biết lái cả xe jeep vào thời đó, là bà Mến (Đức Ong).

Mộc mạc, đơn sơ thật thà đến ngây ngô là cha con cố Trần Ngà. Ông Ngà con đi hớt tóc, tiền thì ít mà thợ hỏi kiểu nào cũng chiều, đến phải cởi áo cầm lại. Thương tâm cho hai cha con, sống và chết trong cảnh đời cô quạnh nghèo túng

queNhàn cư vi mà không bất thiện là ông Lưu Văn Quế (Lễ). Thong dong nhàn nhã đi uống nước mới suốt ngày khắp xóm nhưng không vướng vào tục luỵ đam mê: rượu chè, cờ bạc, trai gái…Nói kêu như giọng đồng, kể chuyện tếu hài rất bài bản thu hút người nghe như “sư ăn chuối”…

anKhông kém phần hài hước với câu chuyện châm biếm những người miền Nam di cư 54, thường hay cười người bắc 75 mới vô là “Ngặc bưi”. Ông nói: Ngặc trước 54 có của hơn là “Ngặc có”, mà cười người miền bắc sau 75 gọi là “Ngặc cười”. Đó là ông An hề.

hoi“Nam vô tử như kỳ vô phong”. Một phong cách uống rượu thưởng ngoạn lịch lãm, phong lưu, mà ai cũng mến mộ; đó là ông Phạm Đình Hối. Đặc biệt là trong mùa chay 40 ngày, ông giữ chay không nếm một giọt rượu nào.

bui-van-tuyenMột con người có cái nhan sắc mỹ miều của phụ nữ: con người mảnh dẻ, môi son, mũi cao, mắt tinh anh và có cái nét duyên dáng của phái đẹp.  Chuyên đóng kịch, vai thiếu nữ nhà quê, với câu nói thời danh nổi tiếng là “răng mà em hắn rầy a na!!”. Đó là Thầy Bùi Văn Tuyên, rủi thay, yểu mệnh chết năm 43 tuổi. Thầy dạy văn rất hay, dẫn dắt câu chuyện đầy văn vẻ và hấp dẫn. Nhưng điều đáng nhớ ngày đó là, thầy đã dạy hai câu thơ rất nổi danh của cụ Đồ Chiểu: “Bút đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà. Thuyền chở bao nhiêu đạo, thuyển không khẳm”.

Tất cả đã làm nên những nét chấm phá, điểm tô cho bức tranh của giáo xứ thêm phần phong phú và sinh động.

         Và đâu rồi, những vị khai quốc công thần, đã nằm xuống cho một miền đất lớn lên: Cố Lưu Cầm, cố Trần Ngọc Phong, Cố Trần Duy Thận, cố Trần Mân, cố Trần Văn Trị…

luu-camtr-ngoc-phongtr-van-tritran-duy-thantran-mandau-quang-tin

Tất cả đã hoà vào một dòng chảy lược sử cho 60 năm xây dựng và phát triển một giáo xứ Châu Sơn xưa và nay. Những người trong ban định cư thời đó, chỉ còn ông Đậu Quang Tín là đang thượng tại, hiện ở Đức.

        Xin thắp một nén hương kính nhớ đến các bậc tiền nhân, đã nằm xuống trên mảnh đất thân thương này. Nguyện Chúa thương xót, sớm đưa họ về hưởng dung nhan ngài.

        Bây giờ và những thế hệ sau, sẽ còn mãi ghi nhớ những công lao to lớn của các bậc tiền nhân cha ông, đã gầy dựng nên một Giáo Xứ Châu Sơn có được cơ ngơi đàng hoàng và bề thế như ngày hôm nay.

         Một quá khứ truân chuyên vất vả trong thanh bạch là nền tảng cho một hiện tại trưởng thành vững vàng, để vươn tới một tương lai thăng tiến và bình ổn trong tin yêu mọi người. Tất cả đã làm nên một diện mạo của Giáo xứ Châu Sơn.

        Xin cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và Mẹ Maria Vô Nghiễm Nguyên tội, đã quan phòng và chở che Giáo Xứ chúng con vượt qua mọi biến cố thăng trầm dâu bể thời cuộc trong 60 năm hình thành và phát triển.    

Châu Sơn Choa           

Khi đi ghi hình, chúng tôi đã xin phép được một số người nhà, tuy nhiên cũng có người vì điều kiện không cho phép, nên chúng tôi không xin phép được. Rất mong quý vị lượng thứ.

Người viết cũng chỉ thành ý, muốn gợi lại những hình ảnh, những câu chuyện xưa của các tiền nhân, nhằm nhắc nhở cho con cháu thế hệ sau, nhớ lại những bậc tiền nhân tiên tổ đã một thời từng sống tại mảnh đất thân thường này, và nay, đã một cõi đi về.

Xin cám ơn!

Check Also

NHỮNG CÁI CHẾT BẤT ĐẮC KỲ TỬ TẠI GX CHÂU SƠN

Sống trên đời này chuyện “sinh ký tử quy” – sống gửi thác về – …